Bình Giang (Hải Dương): Dân lại "kêu trời" vì ô nhiễm

11/04/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 11/4, phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân các xã của huyện Bình Giang (Hải Dương) dọc bên con sông của tỉnh lộ 392, kịch liệt phản đối về tình trạng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguyên nhân, theo người dân là do các công ty nhựa ở Cụm công nghiệp Tân Hồng – Vĩnh Hồng, lại ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi “mục sở thị” con sông dài gần 5 km dọc theo tỉnh lộ 392 từ xã Thái Học đến xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Các hộ gia đình sinh sống, kinh doanh bên sông đang đỉnh điểm bức xúc, bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông chuyển màu đen đặc quánh như luyn, bốc mùi hôi thối nồng nặc… khiến các gia đình sống bên sông phải đóng chặt cửa, những hộ kinh doanh giải khát bên đường đành chọn giải pháp, quây bạt kín chỗ ngồi cho khách vào uống nước.

Các hộ kinh doanh giải khát phải dung bạt quây kín tránh mùi hôi thối
Các hộ kinh doanh giải khát phải dung bạt quây kín tránh mùi hôi thối

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Phượng, xã Thái Học hộ kinh doanh giải khát, không giấu được bất bình, nói: “Trước đây cứ vài ba ngày nước sông lại chuyển màu đen kịti…  người dân phản ánh nhiều đến chính quyền, các cơ quan chức năng. Cách đây hơn tháng, đoàn kiểm tra của huyện Bình Giang, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương đã làm việc với các công ty ở Cụm công nghiệp Tân Hồng – Vĩnh Hồng. Sau đợt kiểm tra, người dân hết sức phấn khởi vì con sông đã dần được trở về bình yên; màu nước đang bắt đầu trong xanh".

"Tuy nhiên, khoảng 6 giờ sáng ngày 11/4, nước sông lại đen như luyn, nồng nặc mùi hôi thối; chảy về từ hướng các công ty của Cụm công nghiệp Tân Hồng – Vĩnh Hồng" - người dân phản ánh. 

Nhựa, phế thải chất cao như núi ở Công ty TNHH Lục Nam
Nhựa, phế thải chất cao như núi ở Công ty TNHH Lục Nam


Có mặt tại hiện trưởng, ông Lê Minh Sâm, cùng một số người dân thông My Cầu, xã Tân Hồng đã dẫn chúng tôi "mục sở thị" tận nơi các công ty sản xuất, tái chế nhựa và cống xả thải trực tiếp ra môi trường của Công ty TNHH Lâm Phúc.

Theo ông Sâm, Công ty sản xuất và tái chế nhựa này, chính là nguyên nhân dẫn đến con sông bên tỉnh lộ 392 đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi chúng tôi đến, cống xả nước thải từ trong Công ty TNHH Lâm Phúc đang chảy ào ào ra mương nước. Nước thải đen kịt, kèm theo mùi thối nồng nặc. Bên cạnh bờ tường của Công ty là hai ao chứa đầy chất thải, bột nhựa… đang tràn xuống mương và chảy ra sông bên tỉnh lộ 392.

Nước thải của Công ty TNHH Lâm Phúc xả thẳng ra môi trường
Nước thải của Công ty TNHH Lâm Phúc xả thẳng ra môi trường

Nhìn dòng nước thải từ trong Công ty đang xả ra môi trường, ông Sâm và người dân thôn My Cầu phẫn nộ, phản ánh: Nhiều năm qua, người dân trong thôn bức xúc vì chịu cảnh ô nhiễm từ các công ty nhựa ở đây. Đặc biệt, Công ty TNHH Lâm Phúc chuyên tái chế, sản xuất nhựa coi thường pháp luật, thường xuyên xả thải thẳng ra môi trường, khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại, đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân cũng phản ánh về việc xử lý của các cơ quan chức năng, ngành tài nguyên & môi trường, cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã từng về làm việc với Công ty này, nhưng không hiểu sao Công ty vẫn hoạt động bình thường, ngang nhiên tàn phá môi trường.

Bên cạnh tường rào Công ty TNHH Lâm Phúc 2 ao chứa đầy chất thải, bột nhựa… đang tràn ra ngoài
Bên cạnh tường rào Công ty TNHH Lâm Phúc 2 ao chứa đầy chất thải, bột nhựa… đang tràn ra ngoài

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Trác Trung, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, cho biết: Trong tháng 1 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương kết hợp cùng huyện Bình Giang đã kiểm tra các Công ty ở Cụm Công nghiệp Tân Hồng - Vĩnh Hồng và đã có kết luận, kiến nghị xử phạt những công ty sai phạm về môi trường. Đối với, Công ty TNHH Lâm Phúc, do Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Hải Dương) trước đó đã tiến hành làm việc, nên đoàn không kiểm tra. Sở đang đề nghị PC49 Hải Dương nhanh chóng cho biết kết quả kiểm tra để có cơ sở, căn cứ  đánh giá chính xác việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của công ty này, xác định có phải nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh hay không?

Con sông bên tỉnh lộ 392 chuyển màu đen như luynh
Con sông bên tỉnh lộ 392 chuyển màu đen như dầu luyn

Trước đó, ngày 14/3, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đăng bài: Bình Giang (Hải Dương): Nhiều công ty “đồng loạt” sai phạm môi trường, qua việc kiểm tra và báo cáo của phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bình Giang. Đoàn kiểm tra đã chỉ rõ các vi phạm của các công ty, nhưng đến nay không hiểu sao môi trường vẫn không được cải thiện, dân vẫn “kêu trời” vì ô nhiễm…?

Việc xử lý sai phạm việc chấp hành quy định Luật Bảo vệ môi trường của các công ty và nhất là Công ty TNHH Lâm Phúc như thế nào, tại sao không được xử lý nghiêm và kéo dài đến nay đang gây bức xúc trong dư luận?

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin bạn đọc./.

Phạm Hoàng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Giang (Hải Dương): Dân lại "kêu trời" vì ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO