Kinh tế

Bình Gia (Lạng Sơn): Giảm nghèo từ cây hồi

Hoàng Nghĩa 23/08/2023 - 16:05

(TN&MT) - “Bén duyên” với mảnh đất Bình Gia từ hàng chục năm nay, hồi đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện với tổng diện tích gần 8.600 ha. Cây hồi đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phủ xanh đất trống, đồi trọc

Những năm 2000, khảo sát tại 3 xã khó khăn của huyện Bình Gia là Thiện Hòa, Hòa Bình, Thiện Long, có gần 20.000 ha đất đồi rừng, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc. Người dân chưa chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, một số cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên kém phát triển, hiệu quả kinh tế thấp.

Trăn trở với bài toán phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, sau khi tìm hiểu điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây hồi tại Văn Quan, thấy rằng cây hồi phù hợp để phát triển trên đất Bình Gia, khoảng những năm 2000, ngành chức năng tỉnh, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc cây hồi.

img_20230818_154850.jpg
Sản lượng hoa hồi khô năm 2022 đạt trên 3.150 tấn, mang lại thu nhập khoảng 350 tỷ đồng cho người dân trồng hồi ở Bình Gia.

Ban đầu, hoa hồi chưa có giá trị, thêm nữa, phải mất khoảng 10-15 năm trồng, chăm sóc mới cho thu hoạch nên người dân không mấy mặn mà. Bằng sự chủ động, tích cực, tiên phong đi đầu của chính quyền địa phương, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, tìm nguồn cây giống, bà con dần dần đã thay đổi ý thức, khơi dậy sự nỗ lực vươn lên của nhiều hộ gia đình.

Hơn 1.070 hộ dân ở 3 xã đã đăng ký trồng, chăm sóc 250 cây/hộ, phủ xanh hơn 600 ha diện tích đất rừng. Đến nay, cây hồi đã có mặt ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện.

Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình ông Lưu Trường Thê, xã Quang Trung khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Không cam chịu trước cái đói cái nghèo, ông thường xuyên tạm xa gia đình, lên khu lán cạnh mảnh đất rừng được chia để phát triển kinh tế từ đồi rừng.

Ông đã mạnh dạn trồng hồi và mở rộng diện tích qua từng năm. Dưới bàn tay chăm sóc cần cù, tỉ mỉ, sau bao năm vất vả, gia đình ông đã có hơn 10ha rừng hồi và phát triển thêm chăn nuôi gia súc; trung bình mỗi năm thu nhập từ rừng hồi được hơn một trăm triệu đồng.

Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, toàn huyện hiện có 171 ha hồi sản xuất theo tiêu chuẩn bón phân hữu cơ vi sinh, hiệu quả
tăng gấp đôi so với trồng hồi truyền thống. Sản lượng hoa hồi khô năm 2022 đạt trên 3.150 tấn, mang lại thu nhập khoảng 350 tỷ đồng cho
người dân trồng hồi…

Nâng cao năng suất và chất lượng

Có thể nói, cây hồi đã thật sự trở thành cây trồng xóa nghèo cho bà con nơi đây, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống của hộ nông dân. Thế nhưng, khoảng những năm 2018 trở lại đây, sản lượng hồi không ổn định, không đậu quả hoặc đậu quả ít, nhiều diện tích bị rụng lá, rụng quả non, ảnh hưởng năng suất, tuổi thọ của cây.

Nguyên nhân được xác định là do người dân vẫn áp dụng trồng theo phương pháp truyền thống, không thực hiện chăm sóc, bón phân, chỉ phát thực bì, dây leo quanh gốc hồi.

Trước thực trạng đó, UBND huyện Bình Gia đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật TW xây dựng, triển khai Mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi giai đoạn 2020-2022.

Tham gia mô hình, các hộ được hướng dẫn cách sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, phân bón lá, bổ sung nguyên tố trung lượng, vi lượng; phun thuốc bảo vệ thực vật loại bỏ tác nhân cản trở quá trình ra hoa, hình thành quả của cây hồi. Sau 1 thời gian triển khai, cây hồi phát triển xanh tốt, tỷ lệ ra hoa, quả tăng từ 80% trở lên, cá biệt có những cây tăng năng suất đến 200%.

sep-thang-03.jpg
Nhờ ứng dụng KHKT, tỷ lệ ra hoa, quả hồi tăng từ 80% trở lên, cá biệt có những cây tăng năng xuất đến 200%.

Là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình hồi hữu cơ, ông Nông Ngọc Hậu, xã Tân Văn chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng chỉ dự định mang phân hữu cơ vi sinh về bón thử. Một thời gian sau, cây hồi phát triển rất là tốt, trước đây cây hồi lá vàng và rụng lá, nay đã xanh trở lại. Cả 3 vụ đều sai quả trĩu cành, vụ tứ quý cũng sai nhiều, tôi phấn khởi lắm".

Cũng chuyển đổi mô hình sang trồng hồi hữu cơ, ông Lưu Văn Thắng, xã Quang Trung cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng hồi theo hướng truyền thống, cây hồi kém phát triển, năng suất không cao, thu nhập không ổn định.

Từ năm 2020 đến nay, được hỗ trợ phân bón, cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn quy trình bón phân vi sinh đúng kỹ thuật, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lá, chống rụng quả theo từng giai đoạn. "Tôi thấy cây trồng theo hướng hữu cơ phát triển tốt hơn, lá xanh và dày hơn, ít nhiễm bệnh, lại cho sản lượng cao", ông Thắng nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung, trồng hồi hữu cơ là phương pháp trồng với quy mô an toàn cao, sạch, bón toàn bộ 100% phân hữu cơ, được sử dụng các thuốc trị bệnh an toàn, liều lượng đủ.

Các sản phẩm tạo ra từ hồi hữu cơ có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người sử dụng, được người tiêu dùng trong nước và thế giới rất ưa chuộng, đã giúp giá trị sản phẩm hồi tăng cao.

Thời gian tới, huyện Bình Gia sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật khôi phục và phát triển cây hồi trên toàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm hồi.

img_3590.jpg
Ngành chức năng kiểm tra sâu bệnh trên cây Hồi để kịp thời có biện pháp phòng trừ.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, để vùng hồi Bình Gia ngày càng phát triển, mang lại thu nhập bền vững cho người trồng hồi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Gia (Lạng Sơn): Giảm nghèo từ cây hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO