Xã hội

Bình Gia (Lạng Sơn): Đồng bào dân tộc tận dụng lợi thế đất đai phát triển kinh tế

Hoàng Nghĩa 13/08/2021 16:46

(TN&MT) - Tận dụng lợi thế về đất đai, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã biến những đồi trọc trước kia thành những rừng cây có giá trị kinh tế cao.

Biến đồi trọc thành rừng có giá trị kinh tế

Bình Gia là huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Lạng Sơn, có 5 dân tộc chính là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng sinh sống (trong đó Nùng, Tày và Dao chiếm hơn 96% dân số dân số của huyện). Huyện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94.151,16 ha; chiếm hơn 86% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.

bg1.jpg
Đồng bào dân tộc ở Bình Gia chăm sóc cây quế.

Với lợi thế đất lâm nghiệp lớn, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia xác định trồng rừng là một thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Để thực hiện điều nay, huyện đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trồng rừng. Vì vậy, những năm qua, phát triển kinh tế rừng đã và đang được đồng bào nơi đây quan tâm thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Là hộ đầu tiên phát triển mô hình trồng cây quế, ông Lý Văn Trung (dân tộc Dao) xã Thiện Long cho biết, năm 1998 ông trồng 1.500 cây quế trên diện tích khoảng 1 ha. Sau 12 năm, cây đã có thể lấy gỗ, bán và thu về 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2012, ông quyết định đầu tư trồng thêm 4 ha Quế.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, diện tích rừng quế trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 2.316,26 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Hòa, Thiện Long, Vĩnh Yên, Hòa Bình, Hưng Đạo.... Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND huyện đã tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ người dân phân bón, cây giống, tập huấn kỹ thuật...

Không chỉ trồng cây quế, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Bình Gia cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây keo, bạch đàn và một số cây ăn quả của đồng bào Tày, Nùng, Dao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như gia đình ông Lương Văn Keo ở xã Thiện Thuật. Ông Keo cho biết, nhận thấy nhu cầu về gỗ keo trên thị trường ngày càng cao, năm 2013 gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 20.000 cây keo trên diện tích 10 ha. Sau 6 năm chăm sóc, rừng đến thời kỳ thu hoạch đã mang lại cho gia đình thu nhập trên 900 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ khai thác không dài nên gia đình ông quyết định tiếp tục đầu tư trồng mới cây keo trên diện tích vừa khai thác. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, rừng keo đang phát triển tốt.

Các giải pháp hiệu quả

Theo ông Hoàng Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia, để phát triển kinh tế rừng nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nói riêng, thời gian qua, UBND huyện Bình Gia đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó, huyện luôn quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch để có định hướng phát triển ổn định, lâu dài, trên cơ sở đó phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của từng vùng.

bg2.jpg
Tận dụng lợi thế về đất đai, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Gia đã phát triển kinh tế rừng mang lại thu nhập cao.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện để doanh nghiệp, đồng bào dân tộc biết, tiếp cận và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, trồng và bảo vệ rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trồng rừng và bảo vệ rừng; phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng tới mọi người dân.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, đảm bảo về chủng loại, số lượng và chất lượng cây giống. Khuyến khích đầu tư phát triển trồng rừng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia phát triển lâm nghiệp một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Gia (Lạng Sơn): Đồng bào dân tộc tận dụng lợi thế đất đai phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO