Bình Dương: Quản lý hiệu quả đất đai phục vụ phát triển bền vững

Tường Tú| 19/04/2022 07:16

(TN&MT) - Tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, tăng cường nguồn tiền cho phát triển quỹ đất tại đô thị. Tỉnh đã thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh, trong đó, Quỹ Phát triển đất tỉnh được tỉnh Bình Dương ủy thác sang Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh nhằm tiếp nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cải tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012, Chương trình hành động số 07/NQ-CP ngày 22/01/2014 của Chính phủ và gắn với Chương trình phát triển KT - XH của tỉnh Bình Dương, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai trong thời kỳ đổi mới toàn diện, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch hành động tại Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 03/06/2014, Quyết định đã bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần IX, Quy hoạch phát triển KT - XH của tỉnh.

Kế hoạch hành động trên được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể để các ngành, các cấp chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra. Theo đó, tỉnh Bình Dương chú trọng các chỉ tiêu về phân bổ, bố trí vốn; các giải pháp cụ thể, linh hoạt để giữ chỉ tiêu đất lúa, đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mới tách ra từ đất lâm phần; và các giải pháp để tạo điều kiện cho người có đất góp vốn vào các dự án của các nhà đầu tư; các giải pháp xử lý triệt để tình trạng phân lô, bán nền không theo quy hoạch.

so-tn-mt-bd.jpg

Sở TN&MT Bình Dương có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh

Đến nay, hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh Bình Dương đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Bình Dương đã phân bổ quỹ đất đáp ứng cho các mục tiêu phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất về cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường. Đến nay, các tổ chức sử dụng đất đã chủ động thực hiện quản lý, sử dụng đất đúng mục đích gắn với quy hoạch, gia tăng năng suất và hình thành vùng sản xuất nông, lâm tập trung, góp phần quan trọng cho sự phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, việc giao đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội khác và đầu tư phát triển khu dân cư, khu nhà ở. Còn việc cho thuê đất chủ yếu thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã được cấp phép đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện được 1.529 dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tương ứng với tổng diện tích 18.531ha đối với tổ chức.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 51 ngày 18/12/2014 quy định về chính sách, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá, chính sách bồi thường của tỉnh được sự đồng thuận rộng rãi trong người dân, từ đó tạo điều kiện cho công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thuận lợi hơn. Tổng số dự án thực hiện thu hồi bồi thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 là 97 dự án với tổng diện tích hơn 4.059ha.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, công tác giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm bản đồ nền để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất các cấp, quản lý biến động, cung cấp thông tin, sao trích lục hồ sơ…; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đất đai đã góp phần cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, chính xác hơn.

Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai áp dụng Quyết định số 3335/QĐ-UBND ngày 6/11/2020 của UBND tỉnh về việc công bố thủ tục hành chính (TTHC) chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Trong đó, lĩnh vực đất đai có với 32 TTHC (cấp tỉnh), 23 TTHC (cấp huyện) và 1 TTHC (cấp xã) áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bình Dương cũng đã cập nhật các nội dung TTHC lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI đã xác định: “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Trong đó, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, bền vững; huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai hệ thống giao thông liên vùng, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về tình hình cải cách TTHC về đất đai, trong những năm gần đây, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và còn trong hạn của ngành TN&MT Bình Dương đạt trung bình 99% trở lên. Sở TN&MT Bình Dương cũng thường xuyên rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết một số hồ sơ trễ hạn so với quy định để có các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc gửi thư xin lỗi cho người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp trễ hạn; gọi điện thoại xin lỗi hoặc gửi tin nhắn thông báo về tình hình giải quyết hồ sơ đến người dân, doanh nghiệp.

Sở TN&MT Bình Dương còn đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận, xây dựng “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện”; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; triển khai và phân công cụ thể trách nhiệm, thời gian thực hiện đến từng đơn vị, gắn với thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của đơn vị trong công tác cải cách hành chính nói chung và công tác cải cách TTHC về đất đai nói riêng.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Hiện tại, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC về lĩnh vực đất đai; đồng thời, rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Bộ TTHC của ngành TN&MT và công bố, công khai theo quy định; chủ động tham mưu ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đẩy mạnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Nhằm nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước theo quy định pháp luật đất đai và theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chỉ đạo việc rà soát, công khai trên Trang thông tin điện tử đối với các trường hợp đang có vi phạm pháp luật đất đai; chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng. Hằng năm, Sở TN&MT đều có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, báo cáo các trường hợp chậm triển khai dự án hoặc không đưa đất vào sử dụng và đề xuất hướng xử lý để Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Quản lý hiệu quả đất đai phục vụ phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO