Bình Dương: Kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn

05/09/2016 00:00

  (TN&MT) - Để tăng cường công tác quản lý chất thải, Sở TN&MT Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý chất...

 

(TN&MT) - Để tăng cường công tác quản lý chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý chất thải, trong đó, tập trung kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn. Qua đó, công tác quản lý chất thải đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Một góc nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân compost ở Bình Dương
Một góc nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân compost ở Bình Dương

Nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn

Theo Sở TN&MT Bình Dương, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.333 tấn/ngày, tăng 1,88 lần so với năm 2010. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cải thiện nhiều trong thời gian qua, các công ty và xí nghiệp công trình đô thị được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị, hệ thống thu gom rác dân lập ngày càng phát triển đã nâng tỉ lệ rác đô thị được thu gom hiện nay đạt trên 90%, tăng thêm 6% so với năm 2010.

Chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom, được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý. Trước đây, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh nhưng từ khi nhà máy sản xuất phân compost tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013 đến nay, rác thải đã được phân loại, khoảng 35% được dùng để sản xuất phân hữu cơ, 65% rác thải còn lại đem chôn lấp hợp vệ sinh.

Số lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiện nay còn khoảng 105 tấn/ngày chủ yếu từ các khu vực nhà trọ tại các khu vực có ý thức người dân còn hạn chế. Chất thải này được thải vào các khu đất trống chưa sử dụng của những hộ gia đình hoặc xả trực ra kênh, rạch thoát nước. Đây cũng là một trong các nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Để nâng cao tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý, Bình Dương đang tiến hành kiện toàn lại hệ thống thu gom chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đồng thời chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm khu xử lý chất thải rắn thứ 2 của tỉnh tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo.

Ngoài ra, để nâng cao ý thức cộng đồng và giảm chi phí xử lý, Bình Dương đang xây dựng kế hoạch thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn tại một số phường của thành phố Thủ Dầu Một và các thị xã có tốc độ đô thị hóa cao như Dĩ An, Thuận An, Bến Cát và phấn đấu đến năm 2020 tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Tăng cường quản lý chất thải công nghiệp

Tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 5.128 tấn/ngày, tăng gấp 5,8 lần so với năm 2010, trong đó, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại 4.808 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp nguy hại 320 tấn/ngày. Chất thải công nghiệp không nguy hại thì phần lớn do các cơ sở kinh doanh phế liệu thu gom, phần còn lại do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương và các đơn vị xử lý chất thải nguy hại thu gom.

Hiện nay, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động công nghiệp ở Bình Dương về cơ bản gồm 3 loại, đó là chất thải rắn sinh hoạt của công nhân, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và chất thải nguy hại. Thành phần, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại mỗi cơ sở tùy thuộc vào ngành nghề, quy mô và công suất của các cơ sở công nghiệp. Tỉ lệ chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu gom, xử lý và tái chế khoảng 90%, trong đó, tái chế khoảng 70% và xử lý khoảng 20%.

Trong thời gian qua, đối với công tác quản lý chất thải rắn vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác quản lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế. Vì vậy, Sở TN&MT đã tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án Kiện toàn mô hình hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Chỉ thị về việc triển khai Đề án trên để làm cơ sở triển khai nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý chất thải.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết thêm: Để triển khai Đề án một cách cụ thể thì cần phải tiếp tục ban hành một số quy định liên quan đến quản lý chất thải, nhất là các quy định để quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt trong cơ sở công nghiệp, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu thu gom rác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật được sửa đổi, trong đó, có thay đổi về chức năng nhiệm vụ của các ngành. Hiện nay, Sở TN&MT đang dự thảo Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương trình UBND tỉnh ban hành, thay thế Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đoàn viên thanh niên Bình Dương tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường
Đoàn viên thanh niên Bình Dương tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường

Đảm bảo được nguồn nhân lực và tài chính

Cũng theo Sở TN&MT Bình Dương, đến nay, số lượng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có 296 người, tăng 1,4 lần so với năm 2010. Không chỉ tăng thêm số lượng, việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được chú trọng.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bình Dương đã phối hợp với Trường Đại học TN&MT TP.HCM hoàn thành khóa đào tạo cao đẳng môi trường cho cán bộ môi trường cấp xã. Hiện nay, có trên 80% cán bộ môi trường cấp xã đạt trình độ cao đẳng môi trường hoặc chuyên ngành có liên quan đến môi trường trở lên.

Cũng trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho các dự án môi trường của Bình Dương là 3.626 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.570 tỉ đồng, nguồn vốn sự nghiệp môi trường 783,5 tỉ đồng và vốn ODA 2.056 tỉ đồng.

Bình Dương còn tranh thủ được nguồn vốn ODA Phần Lan để xây dựng nhà máy xử lý rác thành phân compost với tổng vốn đầu tư 6,7 triệu Euro. Ngoài ra, hàng năm, Nhà nước phải trích một phần ngân sách rất lớn cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nhằm huy động nguồn lực trong xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, thời gian qua, Bình Dương đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có trên 439 cơ sở thu gom chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm cả rác dân lập và các đơn vị thu gom phế liệu.

Sở TN&MT Bình Dương cũng đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về quản lý chất thải. Tuy nhiên vần còn tồn tại một số vấn đề như chưa bố trí khu vực lưu chứa chất thải theo đúng quy định, vẫn còn hiện tượng rác sinh hoạt lẫn với rác công nghiệp, nguy hại, hợp đồng với đơn vị không có chức năng thu gom, xử lý.

Giải phát nâng cao hiệu quả quản lý

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được khả quan như trên, công tác quản lý chất thải còn gặp phải những tồn tại, hạn chế bới hệ thống chính sách văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu các văn bản quy định về quản lý chất thải công nghiệp thông thường, quy định về trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn của các ngành.

Bên cạnh đó, chưa quản lý được đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường do còn thiếu các quy định pháp luật đối với đối tượng này; không nắm được thông tin về các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường của các chủ xủ lý thu gom trên địa bàn tỉnh nhưng có cơ sở đặt tại địa phương khác…

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Để công tác quản lý chất thải rắn ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả hơn, Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành Thông tư Quy định về quản lý chất thải rắn thông thường để làm cơ sở để triển khai quản lý tại địa phương; nhanh chóng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại, trong đó, cần có các cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh nhằm quản lý được hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý liên tỉnh.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm thúc đẩy công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn tiến tới xây dựng một nền kinh tế chất thải rắn theo hướng tổng thu đảm bảo bù chi để giảm bớt áp lực về ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn; xây dựng và ban hành các tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật trong lựa chọn công nghệ đầu tư xử lý chất thải rắn theo các mức độ về trình độ, quy mô khác nhau để các địa phương có căn cứ lựa chọn tùy theo điều kiện phát triển kinh tế.

 

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được chú trọng, ngày càng được đổi mới và đi vào chiều sâu. Các hoạt này song hành với tổ chức xét tặng và trao giải thưởng môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường. Hàng năm, Bình Dương đều tổ chức phiên chợ tái chế, tái sử dụng chất thải trong dịp hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Thông qua các hội đoàn thể, Bình Dương cũng đã xây dựng 596 tổ tự quản môi trường tại các cấp cơ sở, hoạt động của các tổ tự quản chủ yếu là các hoạt động liên quan đến vệ sinh môi trường, thu gom chất thải trong dân cư và đô thị, điều này, góp phần bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn. Ngoài ra, trong năm 2015, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã tổ chức tập huấn triển khai văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong đó, 01 lớp tập huấn cho cán bộ các sở ngành và huyện thị và 02 lớp tập huấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp.

 

 

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO