Bình Dương: Đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

07/02/2017 00:00

(TN&MT) - Nhằm đảm bảo nguồn nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…, UBND tỉnh Bình...

 

(TN&MT) - Nhằm đảm bảo nguồn nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3613/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

bd
 

Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đảm bảo tài nguyên nước được bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, đảm bảo công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; quy hoạch, quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo lưu vực sông.

Đối tượng chính của Quy hoạch là các nguồn nước mặt và nước dưới đất được phân chia thành 6 tiểu lưu vực (TLV), gồm: TLV sông Mã Đà - sông Bé; TLV thượng lưu sông Sài Gòn; TLV hạ lưu sông Sài Gòn; TLV thượng lưu sông Thị Tính, TLV hạ lưu sông Thị Tính và TLV sông Đồng Nai. Diện tích, danh mục sông, suối và địa giới hành chính từng TLV. 

Nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương được thực hiện theo Quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, Quy hoạch tài nguyên nước gồm có 3 nội dung chính: Phân bổ nguồn nước; Bảo vệ nguồn nước và Phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương được lập trên cơ sở tiềm năng, hiện trạng chất lượng nước; hiện trạng khai thác, sử dụng, hiện trạng tác hại do nước gây ra và dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các tiểu lưu vực  trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Về tiềm năng, theo kết quả tính toán thì tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước toàn tỉnh Bình Dương là 25,019 tỷ m3/năm. Trong đó, tổng tài nguyên nước mặt 24,349 tỷ m3/năm, nước dưới đất 670,27 triệu m3/năm.

Để triển khai thực hiện tốt nội dung Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong giai đoạn tới cần ưu tiên triển khai thực hiện 20 đề án, dự án nhằm đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra với tổng kinh phí khoảng 8.381tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương là 173 tỷ đồng, các nguồn vốn khác (vốn vay, xã hội hóa, cổ phần hóa) 8.208 tỷ đồng. Cụ thể được phân cho các nội dung quy hoạch: Phân bổ nguồn nước 8.335 tỷ đồng; Bảo vệ tài nguyên nước 37 tỷ đồng; Phòng, chống tác hại do nước 9 tỷ đồng.

Bình Dương sẽ cân đối ngân sách địa phương, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước; bố trí, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn quốc tế cho các dự án cải thiện môi trường nước; triển khai các chính sách thu phí tài nguyên nước nhằm tạo nguồn vốn phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.

Cùng với đó, thực hiện các chủ trương kinh tế hoá tài nguyên nước; xã hội hoá các loại hình cấp nước tập trung; chủ động tìm kiếm, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về tài nguyên nước nhằm tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương tổ chức công bố, công khai nội dung Quy hoạch tài nguyên nước bằng hình thức đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Dương và của Sở Tài nguyên và Môi trường để các Sở, ngành, địa phương biết và thực hiện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Và chủ trì, điều phối  thực hiện Quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư theo chức năng nhiệm vụ; định kỳ hàng năm, 5 năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Quy hoạch; tham mưu điều chỉnh mục tiêu, nội dung Quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

Tường Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO