Bình Định: Xã Bình Tân có tiếp tay cho 9 trang trại "mọc" trên đất lâm nghiệp?

27/07/2017 00:00

(TN&MT) - Bà con ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định) bức xúc phản ánh về việc nhiều hộ dân ngang nhiên vào khu vực có tục danh Hóc Sình  (thôn An Hội,...

 

(TN&MT) - Bà con ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định) bức xúc phản ánh về việc nhiều hộ dân ngang nhiên vào khu vực có tục danh Hóc Sình  (thôn An Hội, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) xây dựng trang trại trái phép để chăn nuôi heo, song chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Một trong chín trang trại chăn nuôi heo xây dựng trái phép ở khu vực Hòn Sinh, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).
Một trong chín trang trại chăn nuôi heo xây dựng trái phép ở khu vực Hòn Sinh, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).

9 trang trại xây không phép trên đất lâm nghiệp?

Qua sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm về khu vực Hóc Sình. Tại đây theo quan sát của PV, hiện có 9 trạng trại chăn nuôi heo được xây dựng trên khu đất rộng hàng ngàn mét vuông được bao bọc xung quanh bởi rừng keo. Nhẩm tính, chúng tôi ước mỗi trang trại rộng khoảng 100 - 200m2. Để thuận tiện cho việc chăm sóc heo, chủ trang trại còn xây cất thêm nhà ở, kho để chứa thức ăn, vật dụng phục vụ cho việc chăn nuôi. Đáng nói, các trang trại chăn nuôi heo ở đây hầu hết không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, nước thải, phân heo trong quá trình chăn nuôi đều được thải trực tiếp ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Khi được hỏi về sự tồn tại của các trang trại chăn nuôi heo ở Hóc Sình, nhiều hộ dân sinh sống ở thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) đều bày tỏ sự bất bình trước sự chần chừ vào cuọc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương. “Các trang trại chăn nuôi heo bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2015, đến đầu năm 2016 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Họ xây dựng công khai trên đất lâm nghiệp, song không vấp phải sự ngăn cản nào từ phía ngành chức năng của huyện Tây Sơn, lẫn chính quyền sở tại. Đáng nói hơn, qua các đợt tiếp xúc cử tri, bà con ở địa phương đã kiến nghị nhiều lần tới cơ quan chức năng liên quan cần giải quyết rốt ráo vấn đề này, lập lại kỷ cương trên lĩnh vực quản lý đất đai, song đến nay, chưa được giải quyết”, một hộ dân ở thôn An Hội, bức xúc nói.

Một trong chín trang trại chăn nuôi heo xây dựng trái phép ở khu vực Hòn Sinh, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).
Một trong chín trang trại chăn nuôi heo xây dựng trái phép ở khu vực Hòn Sinh, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).

Chủ tịch xã thoái thác trách nhiệm, Phòng TN-MT huyện cũng né!

Để rõ hơn về sự việc trên, chiều 20.7, PV đã tới UBND xã Bình Tân liên hệ làm việc, song Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Diện cáo bận. Sáng 24.7, PV quay lại trụ sở làm việc, song ông Diện lần nữa từ chối trả lời với lý do: “Giờ tôi phải lên làng (làng M6, xã Bình Tân) (!)”. PV nhận thấy, đây không phải là lần đầu, ông Diện tìm cách né tránh báo chí. Bởi, trước đây liên quan đến các vụ việc UBND xã Bình Tân tự ý cho khai thác cát tại sông Quéo hoặc nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì ở xã Bình Tân gây ô nhiễm bủa vây đến khu dân cư (Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh),… PV cũng nhiều lần liên hệ làm việc với ông Diện, song vị này đều né tránh, từ chối trả lời với cùng lý do “đang đi công tác trên làng (làng M6, xã Bình Tân)”.

Trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước đối với cấp huyện ra sao? Để tìm câu trả lời này, sáng cùng ngày (24.7), PV đã tới phòng TN-MT huyện Tây Sơn để liên hệ làm việc, thế nhưng, sau khi nghe PV trình bày sự việc, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện cũng né tránh và từ chối trả lời với lý do không phải là người có thẩm quyền phát ngôn và yêu cầu PV làm việc với UBND huyện Tây Sơn. “Có gì, anh cứ liên lạc với UBND huyện, UBND huyện sẽ cung cấp (!?)”, ông Dũng nói.

Đáng nói hơn, trước đó vào ngày 20.6, khi trao đổi qua điện thoại, ông Dũng hứa là đầu tuần (thứ 2, ngày 24.7) sẽ làm việc cụ thể với báo chí về sự việc 9 trang trại chăn nuôi heo đang tồn tại trái phép ở khu vực Hòn Sình. Song đến ngày 24.7, ông Dũng lại thất hứa với lý do nêu trên. Tiếp tục qua làm việc với bà Nguyễn Thị Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn thì PV nhận được yêu cầu: “Em viết nội dung câu hỏi qua giấy, để chiều chị xin ý kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ (người phụ trách lĩnh vực này) và sẽ trả lời cho em sau (!)”.

Việc để người dân tự ý xây dựng trái phép 9 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn trên đất lâm nghiệp ở khu vực Hòn Sình, thôn An Hội, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) lỗi đầu tiên thuộc về UBND xã Bình Tân, nhưng không thể phủ nhận vai trò quản lý về mặt Nhà nước của phòng TN-MT huyện Tây Sơn. Thế nhưng, thay vì hợp tác cùng báo chí để trả lời những khúc mắc mà dư luận ở địa phương quan tâm thì các cơ quan liên quan đều né tránh, từ chối trả lời khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: phải chăng có khuất tất trong vụ việc này?

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin sự việc này.

 

Nguồn tin riêng của PV, cho hay: 9 trang trại nuôi heo xây dựng trái phép vào cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 hoàn thành đưa vào sử dụng. Các hộ đứng ra xây, gồm có ông Ngô Đình Sa Vi (trú thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân - 2 trang trại), Nguyễn Công Doanh (quê Quảng Nam - 2 trang trại), Vương Văn Mạnh (trú xã Tây Bình, huyện Tây Sơn - 1 trang trại), Nguyễn Văn Chín (trú thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân - 3 trang trại) và 1 trang trại còn lại chưa xác định được chủ. “Khu vực Hòn Sình trước đây do Lâm trường Sông Kôn quản lý, sau đó, UBND tỉnh có chủ trương thu hồi để giao lại cho UBND xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) quản lý. Vì vậy, các hộ vào khu vực này để xây cất trang trại để nuôi heo là trái quy định pháp luật”, nguồn tin này cho biết thêm.

 

Hoàng Nguyên

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Xã Bình Tân có tiếp tay cho 9 trang trại "mọc" trên đất lâm nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO