Biển đảo

Bình Định với khát vọng “vươn khơi”

Đông Duy 28/01/2025 - 07:47

(TN&MT) - Kinh tế biển là xu thế phát triển tất yếu của những địa phương có biển. Hướng ra biển tạo cơ hội cho các địa phương phát huy những lợi thế riêng, hình thành thế và lực để chuyển mình và định hướng chiến lược phát triển trong thời kỳ mới. Là địa phương có lợi thế lớn về biển, Bình Định cũng đã tự định hình về những bước phát triển cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kinh tế biển là tiềm năng lớn nhất, là nội lực quan trọng để tỉnh nhà bứt phá vươn lên…

Lợi thế lớn phát triển dịch vụ cảng biển - logistics

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, đến năm 2030, Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics và đô thị hóa. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam,...

anh-2-8.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng Tập đoàn PNE khảo sát khu vực dự kiến triển khai dự án điện gió

Ngoài dịch vụ cảng biển - logistics thì du lịch biển, phát triển năng lượng sạch từ biển,... cũng là các ngành mà tỉnh đã và đang hướng đến để khai thác toàn diện lợi thế từ biển. Những năm qua, thương hiệu du lịch biển Quy Nhơn ngày càng khẳng định được vị thế, tạo nên sức hút đặc biệt đối với du khách và giữ vai trò dẫn dắt trong sự phát triển du lịch của Bình Định.

Với phát triển năng lượng sạch, tỉnh đang quyết tâm kêu gọi đầu tư dự án điện gió ngoài khơi (Tập đoàn PNE có trụ sở tại Cộng hòa liên bang Đức), quy mô công suất 2.000 MW được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, ước tính dự án mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng...

Theo đó, phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại được xem là một trong năm trụ cột phát triển của tỉnh. Bình Định được đánh giá là có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Với đường bờ biển dài 134km, vùng lãnh hải rộng 36.000km2 và cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn đã tạo nên điều kiện cần để Bình Định trở thành một trung tâm cảng biển - logistics lớn của khu vực.

Điều kiện đủ là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đã phát triển khá nhanh và hoàn chỉnh đồng bộ, gồm trục Bắc - Nam (Cao tốc, Quốc lộ 1, đường sắt, đường ven biển) và trục Đông -Tây đang được đầu tư hoàn thiện (trong đó có tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku). Song hành với đó, địa phương ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Năm 2024, tỉnh đã thu hút được 61 dự án đầu tư mới (có 3 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án trong Khu Kinh tế Nhơn Hội và các Khu Công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.502 tỷ đồng; có 42 dự án nằm ngoài Khu Kinh tế Nhơn Hội và các Khu Công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.085 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy Cụm Công nghiệp đạt trên 80% với 38 Cụm Công nghiệp đã đi vào hoạt động,… Cùng với nhiều yếu tố khác tạo nên dư địa lớn để phát triển ngành dịch vụ cảng biển -logistic trong thời gian đến.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển mạnh dịch vụ cảng biển - logistics, một trong những phương án mà Bình Định chú trọng là phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cảng biển. Tỉnh định hướng nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa, khu bến Nhơn Hội, các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu định hướng điều chỉnh tách Bến cảng Phù Mỹ thành 2 khu bến. Nghiên cứu khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới,…

Nhằm hiện thực hóa định hướng trên, mới đây, tỉnh Bình Định đã có kiến nghị đến Trung ương về việc bổ sung quy hoạch Khu bến Cảng Phù Mỹ, thuộc cảng biển Bình Định. Đồng thời, tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư dự án Khu bến cảng Phù Mỹ để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các công việc có liên quan đến quá trình hình thành dự án Khu bến cảng Phù Mỹ và hỗ trợ đối với nhà đầu tư đối với dự án này.

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Thái Lan vào cuối tháng 11/2024, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết quan điểm của Bình Định là không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

3.-ktb-binh-dinh.-anh-vnexpress.png
Cảng Quy Nhơn

Ông Phạm Anh Tuấn chỉ ra rằng, tỉnh nhà đang có sẵn những tiềm năng, thế mạnh như nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đầy đủ các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Tiếp đến, trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hạ tầng hiện đại. Các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Bình Định đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ chính sách cởi mở, ưu đãi đầu tư hấp dẫn và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Ngoài ra, tỉnh có môi trường sống trong lành, bình yên; có nhiều khu, điểm du lịch biển, du lịch thể thao, du lịch khám phá khoa học, du lịch tâm linh... cùng với tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định...

Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ tin tưởng, với vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú, chính sách ưu đãi, cùng môi trường đầu tư minh bạch và sự tương đồng với văn hoá, phù hợp với nhu cầu đầu tư, kinh doanh - Bình Định sẽ là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển - logistics, bán lẻ, du lịch và dịch vụ là những lĩnh vực mà tỉnh đặc biệt khuyến khích hợp tác và đầu tư.

Tái khẳng định, lãnh đạo UBND tỉnh cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, luôn lắng nghe và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư tại tỉnh Bình Định đạt được thành công bền vững. Tỉnh không chỉ cung cấp các cơ chế chính sách hỗ trợ mà còn đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi giai đoạn của dự án….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định với khát vọng “vươn khơi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO