Xã hội

Bình Định khảo sát vùng phân bố của rùa Trung bộ: Cơ sở cho hoạt động bảo tồn, tái thả về tự nhiên

(TN&MT) - Trong tháng 6/2023, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) đã phối hợp với Sở NN&PTNT Bình Định khảo sát vùng phân bố của rùa Trung bộ tại 11 huyện, thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh thông qua phiếu phỏng vấn. Đồng thời thu thập mẫu gen môi trường (eDNA) tại các khu vực đầm, hồ có khả năng phân bố của Rùa Trung Bộ.

Tỉnh Bình Định là nơi có ghi nhận vùng phân bố của loài Rùa Trung Bộ, hai đợt khảo sát nhanh của ATP vào năm 2007 và 2009 đã ghi nhận một số thông tin, mẫu vật về các loài rùa này tại các huyện Tuy Phước và Phù Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay các thông tin về vùng phân bố cụ thể, hiện trạng quần thể và tình trạng loài rùa trung bộ tại đây vẫn chưa được đánh giá chi tiết.

Qua các cuộc phỏng vấn, đoàn công tác đã ghi nhận, quan sát 50 mẫu rùa (37 mẫu sống, và 13 mẫu hình ảnh) của 12 loài, trong đó 6 loài nằm trong mức rất nguy cấp CR, và 3 loài nằm trong mức nguy cấp (EN) (theo sách đỏ Thế giới IUCN). 22 mẫu sống các loài rùa khác như Rùa sa nhân (Cuora mouhotii) (EN); Rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata) (CR), rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata)(EN), ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus), Rùa đớp (Chelydra serpentina – loài ngoại lai) được ghi nhận tại thị trấn Vân Canh huyện Vân Canh; xã Tây Phú, huyện Tây Sơn; xã Cát Hanh, huyện Phù Cát; các xã Ân Tường Đông, Ân Đức, Ân Mỹ huyện Hoài Ân và 15 mẫu sống Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) (CR) tại xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ.

anh-1...jpg
Rùa Trung Bộ là loài rùa rất nguy cấp theo sách đỏ thế giới IUCN. Ảnh: ATP

Rùa Trung bộ ( Mauremys annamensis) là loài rùa rất nguy cấp, chỉ có phân bố ở miền Trung Việt Nam từ Đà Nẵng tới Phú Yên và Đắk Lắk. Loài rùa này nằm trong nhóm IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP, và liệt kê trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Loài rùa đặc hữu này cũng được ưu tiên bảo tồn trong Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025 ( Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12.9.2019). Mặc dù sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt, Rùa Trung Bộ có thể đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên do tình trạng khai thác quá mức và sự biến mất, thoái hóa và phân mảnh của các vùng đất ngập nước trong khu vực phân bố tự nhiên do chuyển đổi đất ngập nước thành đất nông nghiệp và gia tăng đô thị hóa. Cho đến nay, chưa có bất cứ ghi nhận nào về quần thể rùa Trung bộ hoang dã trong và ngoài hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn Quốc gia hiện có tại Việt Nam. Điều này đã làm tăng mức độ cấp bách của việc xác lập khu vực môi trường sống được bảo vệ cho loài Rùa Trung bộ tại khu vực phân bố của chúng nhằm cứu loài rùa nguy cấp quí hiếm này khỏi tình trạng tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Tháng 8/2022, ATP phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục lên ngành ( ICISE) xây dựng dự án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung vào công tác bảo tồn rùa Trung Bộ. Theo cán bộ ATP cho biết, hoạt động khảo sát trên nhằm tìm kiếm các thông tin cập nhật về vùng phân bố và hiện trạng loài rùa Trung Bộ có tại Bình Định để làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, tái thả về tự nhiên, truyền thông và giáo dục cộng đồng tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định khảo sát vùng phân bố của rùa Trung bộ: Cơ sở cho hoạt động bảo tồn, tái thả về tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO