Bình Định: Giấy phép khai thác mỏ cát đã điều chỉnh có thời hạn không quá 2 năm

08/09/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là thông tin mà ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT đã trao đổi với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường xung quanh việc điều chỉnh thời...

 

(TN&MT) - Đó là thông tin mà ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT đã trao đổi với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường xung quanh việc điều chỉnh thời gian của các Giấy phép và hoạt động khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay.

Ông Huỳnh Quang Vinh.
Ông Huỳnh Quang Vinh.

- Vì sao có sự điều chỉnh này, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Quang Vinh: Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trên sông còn diễn biến phức tạp, làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, an toàn giao thông, đê điều, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Hơn nữa, do nhu cầu bức xúc về cát xây dựng tại các tỉnh miền Nam nên đã xảy ra trình trạng một số doanh nghiệp cung cấp cho các đầu nậu để vận chuyển cát ra khỏi tỉnh. Việc này là không đúng với hồ sơ xin cấp phép khai thác cát ban đầu của các doanh nghiệp là để phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nếu để tình trạng trên kéo dài sẽ gây nguy cơ khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, tăng giá cát, làm đội giá, vượt dự toán các công trình xây dựng hạ tầng phần lớn do nhà nước đầu tư và nhất là kéo theo việc khai thác cát quá mức, khai thác trái phép sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở TN-MT rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các Quyết định điều chỉnh thời gian khai thác của các Giấy phép khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ tháng 7.2017 đến nay, 41 Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh Bình Định cấp cho 40 doanh nghiệp khai thác cát trước đó tại các bãi bồi cát lòng sông ở tỉnh ta đã được điều chỉnh có thời hạn khai thác không quá 2 năm, với mục đích phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tất cả các khu vực mỏ được cấp phép, Sở TN-MT đã phối hợp cùng ngành chức năng có liên quan tính đến khoảng cách an toàn để đảm bảo hoạt động khai thác không gây sạt lở và độ sâu khai thác không quá đến 2,5m. Các khu vực được cấp phép khai thác phù hợp với quy hoạch khoáng sản của tỉnh, được sự thống nhất vị trí của chính quyền cơ sở (huyện, xã) và các cơ quan chuyên môn của tỉnh như: Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng...

- Không thể phủ nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan trong công tác chấn chỉnh hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong thời gian gần đây. Nhưng vì sao tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát vẫn còn diễn ra?

+ Ông Huỳnh Quang Vinh: Đầu tiên, là trách nhiệm quản lý giám sát, xử lý của chính quyền của một số địa phương, cơ sở chưa thật quyết liệt mà pháp luật đã quy định và được nêu rõ tại quy chế trong quản lý khoáng sản mà tỉnh đã ban hành. Bên cạnh đó, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa tương xứng với diễn biến tình hình địa bàn. Nhiều địa phương để xảy ra hiện tượng khai thác cát “chui” nhưng không xử lý kịp thời. Thêm nữa, sự phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thường xuyên, đồng bộ, kịp thời. Điều này đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác cát trái phép.

Đến nay, các Giấy phép khai thác mỏ cát trước đây đã điều chỉnh có thời hạn không quá 2 năm. Trong ảnh: Một mỏ cát trên sông Côn đoạn qua xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) được UBND tỉnh cấp cho DNTN Quang Hưng.
Đến nay, các Giấy phép khai thác mỏ cát trước đây đã điều chỉnh có thời hạn không quá 2 năm. Trong ảnh: Một mỏ cát trên sông Côn đoạn qua xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) được UBND tỉnh cấp cho DNTN Quang Hưng.

- Vậy với những trường hợp vi phạm được phát hiện, Sở TN-MT sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?

+ Ông Huỳnh Quang Vinh:  Đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát được phát hiện, ngoài việc sử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy vào mức độ ảnh hưởng của việc khai thác đến môi trường, Sở TN-MT đình chỉ khai thác hoặc báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân. Trường hợp để xảy ra trình trạng khai thác trái phép thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

- Để kiểm soát, ngăn ngừa các hoạt động khai thác cát trái phép, sai quy trình đối với các mỏ đã cấp phép, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ có những giải pháp gì?

+ Ông Huỳnh Quang Vinh:  Sở TN-MT sẽ trình UBND tỉnh Bình Định ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và Quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (sửa đổi) để triển khai thực hiện. Đồng thời, Sở TN-MT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cán bộ quản lý TN-MT và doanh nghiệp khai thác khoáng sản; phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, định kỳ và đột xuất thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý, kể cả đề nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Xây dựng, lập và phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29.11.2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, sau khi có hướng dẫn của Bộ TN-MT để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trên toàn tỉnh. Ngoài ra, Sở TN-MT còn công khai vị trí khai thác, sản lượng khai thác khoáng sản hằng năm và các cam kết về Bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã và nhân dân ở địa phương để phối hợp giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nguyên (thực hiện).

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Giấy phép khai thác mỏ cát đã điều chỉnh có thời hạn không quá 2 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO