Bình Định: Di tích cấp tỉnh đình Cẩm Thượng đang biến thành nhà kho

Mỹ Bình | 11/12/2019 16:26

(TN&MT) - Đình Cẩm Thượng được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích cấp tỉnh năm 2010, tọa lạc tại 304 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Sau nhiều năm tôn tạo, trùng tu mới, thay vì phục vụ người dân đến thờ tự, chiêm bái, tham quan du lịch. thì ngôi đình luôn đóng cửa, các hạng mục xuống cấp, biến thành nhà kho chứa vật dụng.

Đình Cẩm Thượng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân làng Cẩm Thượng từ đầu thế kỷ XIX. Đây là ngôi đình duy nhất còn lại ở thành phố Quy Nhơn sau chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Ngôi đình được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 20/7/2010.

Đình Cẩm Thượng được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích cấp tỉnh năm 2010, tọa lạc tại 304 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơnh

Ngày 23/5/2011, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương sửa chữa tường rào, cổng, sân đình Cẩm Thượng, từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố Quy Nhơn. Giao Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL cùng các ngành liên quan triển khai thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước, đảm bảo về mặt kiến trúc, quy hoạch giao thông đô thị.

Đình Cẩm Thượng nằm trên mặt đường Trần Hưng Đạo, con đường trung tâm của thành phố Quy Nhơn, rất thuận tiện cho người dân và khách tham quan đến đình chiêm bái

Công trình sửa chữa đình Cẩm Thượng do Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố Quy Nhơn chủ đầu tư. Phần cổng, tường rào, bao gồm cổng chính và hai cổng phụ, hai đoạn tường rào ở hai bên với chiều dài xây dựng 17,8m. Cổng đình theo hình thức tam quan, trong đó cổng chính rộng 4m, độ cao từ mặt nền sân đến đỉnh cổng là 5,2m; cổng phụ xây theo lối cuốn vòm rộng 1,4m, cao 3,6m.

Mái cổng tạo bằng khung dầm bê tông cốt thép, phía trên đổ mái dốc bằng bê tông cốt thép sau đó lợp ngói âm dương. Các góc mái được uốn cong hình đầu đao, trên đỉnh góc mái trang trí các hoa văn lá liễu đầu rồng. Đỉnh mái cổng chính và cổng phụ gắn đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nguyệt. Tường rào xây cao 2,4m, có hoa văn trang trí bê tông đúc bằng khuôn theo kiến trúc truyền thống của đền chùa cổ.

Đình Cẩm Thượng đóng cửa nhiều năm nay

Ông Lê Ngọc Anh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TP. Quy Nhơn, cho biết: Di tích lịch sử đình Cẩm Thượng gắn liền với làng Cẩm Thượng, thôn Vĩnh Khánh, là di tích minh chứng quá trình hình thành phát triển đô thị Quy Nhơn. Trước đây, Quy Nhơn có đình Cẩm Thượng, Chánh Thành, Hưng Thạnh, Xuân Quang, bốn đình của bốn làng ngày xưa. Nhưng đến nay chỉ còn lại đình Cẩm Thượng, đình được lưu giữ lại vì Ủy ban hành chính kháng chiến ở đình để tập kết 300 ngày đêm.

Bên trong sân đình chứa vật dụng ngổn ngang

Thế nhưng, sau khi được sửa chữa tường rào, cổng, sân đình Cẩm Thượng, thì hơn ba năm nay ngôi đình luôn đóng cửa, không ai vào thắp hương thờ tự, chiêm bái, khách tham quan du lịch cũng không thể vào trong để thưởng lãm ngôi đình.

Vật dụng đủ các loại chứa trong sân đình

Phía ngoài cổng đình được xây dựng với kiến trúc khá cầu kỳ tinh xảo, nằm trên mặt đường Trần Hưng Đạo, con đường trung tâm của thành phố Quy Nhơn, rất thuận tiện cho người dân và khách tham quan đến đình chiêm bái. Việc đình luôn bị đóng cửa, theo thời gian phía bên trong ngôi đình các hạng mục ngày một xuống cấp. Tường, mái đình phủ rêu, cửa kính bị vỡ, sân đình chứa đủ loại vật dụng khác nhau, nhìn phản cảm, gây nỗi xót xa, tiếc nuối cho bất kỳ ai khi đến đình Cẩm Thượng. Không thể hiểu, vì sao ngôi đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh lại bị bỏ quên như vậy?

Vật dụng để đầy sân che lấp cả đình Cầm Thượng

Một người dân có nhà ở gần đình Cẩm Thượng bức xúc: Ngôi đình đóng cửa suốt nhiều năm nay. Khoảng hơn một năm nay, vào ngày mùng một và ngày rằm mới thấy có người mở cửa thắp nhang. Ngôi đình xây xong du khách, người dân không vào được bên trong ngôi đình. Ngôi đình là di tích để người dân và du khách tham quan, chiêm bái, thì lại biến thành nhà kho chứa đồ vật dụng.

Đình Cẩm Thượng biến thành kho chứa vật dụng

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Ngọc Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể Thao TP. Quy Nhơn giải thích: Chúng tôi đang tìm đơn vị tư vấn về thông tin ghi bên trong ngôi đình như thế nào, bởi vậy nên chưa sửa chữa được lại bên trong ngôi đình. Cổng ngoài đình làm xong rồi, nhưng thông tin bên trong ngôi đình như thế nào, thì cán bộ chuyên môn chưa nắm rõ. Đang nhờ đơn vị tư vấn tìm hiểu thêm các chữ ghi trong đình như thế nào để tôn tạo lại, vì những chữ ghi trong đình đã mờ, tróc không còn rõ chữ, chỉ còn lại dấu vết. Cơ quan cử cán bộ vào ngày mùng một, ngày rằm đều lên cúng.

Các hạng mục bên trong đình Cẩm Thượng bị xuống cấp hư hỏng

Thành phố Quy Nhơn đang tập trung xây dựng nhiều công trình chỉnh trang đô thị. Một trong những điểm nhấn thu hút du khách tham quan đến thành phố Quy Nhơn là các di tích lịch sử, văn hóa đang hiện hữu trong lòng thành phố. Ngôi đình Cẩm Thượng là di tích cấp tỉnh được trùng tù, xây dựng cổng đình rất đẹp từ nguồn ngân sách thành phố, nhưng lại bị lãng quên nhiều năm nay, đang biến thành kho chứa vật dụng và chưa biết khi nào đình mới được phục dựng, mở cửa đón du khách và nhân dân đến chiêm bái, thượng lãm, thờ tự?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Di tích cấp tỉnh đình Cẩm Thượng đang biến thành nhà kho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO