Bình Định: Đất bỏ hoang hóa 10 năm, dân khốn khổ kêu cứu

Mỹ Bình| 06/07/2021 11:49

(TN&MT) - 450 hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định) bị ảnh hưởng Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha cùng 13,5 ha cánh đồng Tưới Niên bị hoang hóa, nhiễm mặn đã 10 năm nay. Người dân ở đây đang lâm vào cảnh sống cơ cực vì không có đất sản xuất, trong khi đất bỏ hoang cũng không thể sản xuất nông nghiệp được.

Đất hoang hóa

Theo người dân địa phương, hơn 10 năm trước cánh đồng 15 ha ở Gò Dê và 13,5 ha ở Tưới Niên thuộc thôn Huỳnh Giản Bắc xanh tốt, mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống no đủ cho người dân sinh sống trong thôn.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Định thực hiện Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha đã thu hồi và bồi thường cho các hộ dân có ruộng sản xuất tại cánh đồng Gò Dê với tổng diện tích thực hiện dự án là 15 ha. Từ đó, trên diện tích cánh đồng Gò Dê 15 ha, người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc đã không còn được quyền sản xuất nông nghiệp.

Đất bỏ hoang cằn cỗi chỉ có loài cây bần mắm sống sót

Hơn 10 năm trôi qua, cánh đồng Gò Dê để thực hiện Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha đến nay vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng. Vì nhiều năm không ai sản xuất, cánh đồng trở nên hoang hóa, cằn cỗi, bùn lầy nước đọng, nhiễm mặn, cây trồng không thể sinh trưởng phát triển, các loài thủy hải sản cũng chết theo.

Nhiều hộ dân không có đất nuôi trồng thủy sản, trong khi thấy đất bỏ hoang, nên đã tự ý bao quanh bờ làm hồ nuôi tôm, cá và cam kết khi nào chính quyền lấy đất thực hiện Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc sẽ trả lại mà không yêu cầu bồi thường.

Riêng cánh đồng Tưới Niên 13,5 ha, khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất, nguồn nước bị mất gần 8 năm nay. Do không có nguồn nước tưới tiêu nên cánh đồng bị bỏ hoang hóa, nhiễm mặn không thể sản xuất nông nghiệp.

Tiếng lòng người trong cuộc

Chia sẻ nỗi cơ cực của người dân trong thôn với phóng viên Báo TN&MT, ông Huỳnh Văn Năm - Bí thư thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa nói: Đối với 15 ha cánh đồng Gò Dê, nếu UBND tỉnh không thực hiện Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha thì trả lại diện tích đất cho bà con sản xuất. Nếu tiếp tục dự án thì phải hoàn thành xong giải phóng mặt bằng, không để đất bị bỏ hoang và tránh tình trạng bị ô nhiễm.

“Còn với 13,5 ha cánh đồng Tưới Niên thì phải có nước cho bà con sản xuất, không thể bỏ hoang một diện tích rất lớn trong khi người dân không có đất canh tác, không thể nuôi trồng thủy sản do liên tục mất mùa dẫn đến cuộc sống cơ cực, đời sống khó khăn, kinh tế gia đình eo hẹp, chạy ăn từng bữa, mỗi tháng đều trông chờ vào gạo hỗ trợ của Nhà nước”, ông Năm nói.

Ông Huỳnh Văn Năm tiếp lời: Hiện nay cả cánh đồng Gò Dê và Tưới Niên có hơn 200 hộ dân được hưởng trợ cấp gạo với 15kg một nhân khẩu. Do vậy cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tôi thấy ở tỉnh Bình Định, chưa nơi nào rơi vào tình cảnh như hàng trăm hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc. Nghèo đói nhưng không có đất sản xuất, trong khi đất bỏ hoang lâu ngày thành hoang hóa, nhiễm mặn không thể sản xuất nông nghiệp. Người dân gửi đơn kêu cứu qua các đợt tiếp xúc cử tri ba cấp nhưng các cấp chính quyền đều im lặng không trả lời cho người dân.

Ông Huỳnh Văn Năm - Bí thư thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa đau đáu nỗi cơ cực của người dân

Một người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc cho biết thêm: Cánh đồng Tưới Niên có nước là nhờ nguồn nước từ cánh rừng dương nằm trong Dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1 nhưng đã bị chặt phá, hiện chủ đầu tư đã trồng lại rừng nhưng biết khi nào rừng dương mới được phục hồi như trước đây. Đất không sản xuất nông nghiệp được thì bà con làm hồ nuôi tôm nhưng tôm cũng bị chết. Người dân đề nghị nâng cấp đê điều để dẫn nước ngọt về cánh đồng Tưới Niên cho bà con làm ruộng nhưng cũng không thực hiện được do chi phí nâng cấp đê vài chục tỷ, trong khi tiền thu thuế nông nghiệp từ người dân không được bao nhiêu. Bởi vậy, cánh đồng bị bỏ trắng, còn người dân sống qua ngày nhờ vào số gạo hỗ trợ ít ỏi.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Vương - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Chính quyền các cấp vẫn hỗ trợ gạo cho người dân để người dân sinh sống tạm đủ. Riêng 15 ha cánh đồng Gò Dê ảnh hưởng Dự án Khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 và phần mở rộng về phía Bắc 15 ha thì Nhà nước đã tiến hành thu hồi và đền bù cho người dân có diện tích đất sản xuất. Do trước đây có sự tranh chấp giữa bên mua và bên bán nên thời gian đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, chưa triển khai được dự án. Đến nay, đã đền bù cho các hộ dân, chỉ còn lại những hộ tranh chấp mua bán.

Ông Huỳnh Thanh Vương chia sẻ: Ở 13,5 ha cánh đồng Tưới Niên, lâu nay người dân gieo sạ một vụ, năng suất không ổn định do nhiễm phèn, nhiễm mặn. Người dân kiến nghị, UBND xã, huyện cũng nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh quan tâm để kêu gọi chủ đầu tư các dự án nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội khảo sát, có kế hoạch thu hút đầu tư với mục tiêu thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.

Xã Phước Hòa đã về đích nông thôn mới năm 2020 với nhiều nỗ lực vươn lên từ xã nghèo nơi vùng rốn lũ. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu 450 hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc không còn cuộc sống cơ cực, không phải chạy ăn từng bữa và không trông chờ từng ký gạo hỗ trợ của Nhà nước. Làm gì để người dân thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa có cuộc sống no đủ hơn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị huyện Tuy Phước đối với người dân quê mình?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Đất bỏ hoang hóa 10 năm, dân khốn khổ kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO