Bình Định: Dân sống bên bờ suối Ngô La thấp thỏm lo sạt lở

Mỹ Bình | 09/09/2020 18:04

(TN&MT) - Đến mùa mưa bão, nhiều ngôi nhà dân sinh sống bên bờ suối Ngô La qua địa phận hai thôn Tân Vinh và Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh phải dùng đá, đất đắp ngăn không cho nước chảy vào nhà làm xói lở trôi nhà cửa và đất sản xuất của họ. Mùa mưa, lũ nước từ trên núi đổ về ồ ạt chảy ra sông Hà Thanh gây sạt lở nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, khoảng từ năm 2009 đến nay, vào mùa mưa lũ, nhiều đoạn ở cuối dòng suối Ngô La bị sạt lở nghiêm trọng, vì nước chảy mạnh, xiết, xoáy ngầm dọc hai bên bờ suối uy hiếp đến tài sản nhà cửa, đất sản xuất của người dân.

Nhiều diện tích đất bên bờ suối Ngô La bị sạt lở 

Nhiều năm trôi qua, mưa lũ làm sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đe dọa trực tiếp đời sống của hàng chục hộ gia đình tại hai thôn Tân Vinh và Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh. Trong đó có nhiều hộ dân như gia đình ông Lê Công Định, Mai Ngọc Hùng, Lê Văn Dục, Trương Sĩ Nhu, Lê Văn Tình sinh sống tại thôn Hiệp Vinh 2 bị mất hàng trăm m2 đất sản xuất.

Dân dùng rẻo đá để trấn giữ đất 

Vì thế, người dân phải dự trữ bao cát trong nhà, trồng tre dọc hai bên bờ suối để giữ đất ở các đoạn bị sạt lở nặng. Ngoài ra, có một số hộ dân muốn chống sạt lở đất đã đổ hàng chục khối đất, rẻo đá tại những điểm bị sạt lở. Điều này, không chỉ không giữ được đất, nhà cửa tài sản gia đình mà còn gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối.

Ngôi nhà một người dân sinh sống bên bờ suối Ngô La

Ông Trần Văn Tế ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh là một trong những hộ dân dùng rẻo đá để trấn giữ đất ngôi nhà của mình. Ông Tế phân trần: Cơn mưa vừa qua làm sạt lở đất nhà tôi nên tôi phải dùng rẻo đá để trấn giữ đất, nhà cửa không bị trôi ra suối, sông Hà Thanh. Cứ ngày nào mưa là ban đêm không dám ngủ và chưa kể nạn hút cát bên bờ sông Hà Thanh cũng là tác nhân gây nên sạt lở bờ suối. Nhà nước chưa làm kè thì mình phải đổ đá trấn giữ đất chứ không mưa lũ xuống là trôi hết nhà cửa, tài sản của gia đình. Chúng tôi mong nhà nước quan tâm đầu tư xây bờ kè đoạn qua suối Ngô La để bà con yên tâm sinh sống.

Hai bên bờ suối Ngô La bị sạt lở và khô cạn

Ông Trần Văn Bài - Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết: Trước tình trạng này, UBND xã đã gửi văn bản thông báo tới các thôn và đài truyền thanh xã để tuyên truyền và nghiêm cấm việc làm sai quy định trên của người dân, yêu cầu những cá nhân nào đã làm thì phải khôi phục hiện trạng ban đầu. Giải pháp lâu dài và hiệu quả là phải xây dựng kè dọc bờ suối, tuy nhiên, UBND xã khó khăn về kinh phí nên không thể thực hiện. Địa phương mong muốn tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng bờ kè.

Về vấn đề này, Ông Nguyễn Bá Đẩu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, thông tin: Thời gian qua, UBND huyện cũng đã bố trí kinh phí xây dựng kè ở một số khu vực thiết yếu, tác động lớn đến đời sống của bà con nhân dân. Trước kiến nghị của người dân hai thôn Tân Vinh và Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh về tình trạng sạt lở đất dọc khu vực suối Ngô La, huyện cũng đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra thực tế, nhưng do thiếu kinh phí nên chưa tiến hành xây dựng bờ kè được. Thời gian tới, UBND huyện sẽ đưa việc xây dựng kè tại bờ suối Ngô La vào kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện. Đồng thời, UBND huyện cũng mong tỉnh quan tâm và hỗ trợ thêm kinh phí để sớm xây dựng kè.

Dùng rẻo đá, đất trấn giữ chống xói lở gây nên ô nhiễm môi trường nước sông, suối 

Phóng viên ghi nhận, đoạn suối Ngô La hiện đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn suối bị ngoạm sâu vào đất liền về phía nhà người dân sinh sống. Người dân dùng rẻo đá, đất trấn giữ bờ nhằm bảo vệ tài sản nhà cửa. Tuy nhiên, giải pháp này lợi bất cập hại và không phải phương án tối ưu để chống sạt lở đất và chống chọi cơn cuồng phong của gió, bão, lũ cùng nhau kéo đến. Mùa mưa bão năm nay sắp quay trở lại, không biết người dân sống bên bờ suối Ngô La sẽ vượt qua những ngày mưa bão như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Dân sống bên bờ suối Ngô La thấp thỏm lo sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO