Bình Định: Cần nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp hơn

Mỹ Bình (thực hiện)| 11/05/2021 09:37

(TN&MT) - Chỉ còn vài tháng nữa là các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Bình Định sẽ bước vào mùa mưa bão. Trước những dự báo về mùa mưa bão năm 2021 diễn biến hết sức phức tạp, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định về công tác chuẩn bị ứng phó.

PV: Xin ông cho biết những kết quả trong công tác phòng, chống lụt bão trong năm 2020?

Ông Trần Văn Phúc:

Năm 2020, Bình Định thực hiện nhiệm vụ an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước xung yếu có ảnh hưởng lớn đến dân cư sinh sống vùng hạ lưu. Đồng thời, thực hiện nhiều dự án đê, kè sông, kè biển với mục tiêu bảo vệ dân cư, bảo vệ đất sản xuất, chống xói lở.

Tỉnh đã hoàn thành các dự án đập ngăn mặn, giữ ngọt vùng triều, tăng cường tháo lũ, thông thoáng dòng chảy, giảm ngập. Xây dựng các nhà tránh trú bão an toàn, xác định vị trí các khu tránh trú bão an toàn và đường di chuyển đến nơi tránh trú bão và thông báo cho người dân biết.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định

Khi công tác phòng ngừa tốt thì công tác ứng phó chỉ còn tập trung vào mục tiêu chính. Khi có bão, lũ xảy ra, những hộ gia đình có nhà không đáp ứng được cấp gió bão, mức độ ngập lụt thì di dời đến nơi tránh trú an toàn. Năm 2020, ứng phó với bão số 9, số 10 và số 12, sơ tán được 6.816 hộ/25.218 người dân về nơi trú, tránh bão. Neo đậu trú, tránh bão tại các bến 5.953 tàu thuyền nên không xảy ra thiệt hại về người.

PV: Dự báo mùa mưa bão năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Phúc:

Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.

Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta tương đương so với trung bình nhiều năm. Vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa bão, từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam, trong đó có khu vực Bình Định. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong mùa mưa bão năm 2021.

Mùa lũ trên các sông trong tỉnh Bình Định mức tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ cao nhất trên các sông phổ biến ở mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3. Các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

PV: Trước những dự báo diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm 2021, công tác chuẩn bị ứng phó theo chỉ đạo của tỉnh được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Văn Phúc:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang được kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để trở thành Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; tham mưu công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, cấp xã. Phân công trách nhiệm từng thành viên; tổ chức kiểm tra lĩnh vực và địa bàn được giao nhiệm vụ.

Tổ chức Hội nghị tổng kết Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2020 để rút kinh nghiệm và triển khai, giao nhiệm vụ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho các Sở, Ban, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2021. Triển khai bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai; chuẩn bị vật tư, vật liệu, nhu yếu phẩm cần thiết trước mùa mưa bão.

Người dân gia cố tạm kè bờ biển tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Triển khai thi công và vượt lũ các dự án về hồ chứa, đập dâng trên sông, đê kè, giao thông; kiểm soát tiến độ và hoàn thành vượt lũ trước 30/8/2021, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai; đặc biệt kiểm tra an toàn hồ chứa và có biện pháp khắc phục trước ngày 31/8/2021; kiểm tra việc thông thoáng dòng chảy trong sông, các công trình điều tiết.

Tiếp tục di dời dân vùng thiên tai vào nơi tái định cư an toàn. Hoàn thành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; trong đó, đặc biệt chú trọng đến ứng phó với bão, ứng phó với ngập lụt và ứng phó với sạt lở đất vùng núi. Khi có thiên tai xảy ra sẽ áp dụng phương án ứng phó hiệu quả.

PV: Ông có những kiến nghị như thế nào để thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với mùa mưa bão?

Ông Trần Văn Phúc:

Để công tác ứng phó với mùa mưa bão thực hiện hiệu quả, cần nâng cao năng lực đội ngũ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự trở thành một lực lượng chuyên nghiệp hoạt động chuyên trách (không kiêm nhiệm). Về vị trí, chức năng, Văn phòng Thường trực cấp tỉnh trực thuộc UBND tỉnh. Đội ngũ này cần đủ số lượng, chất lượng, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm thì hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự sẽ thực sự có hiệu quả trong công tác phòng ngừa và ứng phó.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cần nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO