Bình Định: Cần đẩy nhanh tiến độ các Khu giết mổ tập trung

28/10/2016 00:00

(TN&MT) - Tại Bình Định, hơn 600 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động nằm lẫn trong các khu dân cư, điều kiện giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất dễ lây lan dịch bệnh. Được biết, đến cuối năm 2016, khu giết mổ gia súc tập trung đầu tiên ở Bình Định sẽ đi vào hoạt động, tuy vậy, chỉ với một điểm nên không đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Hơn 600 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động nằm lẫn trong khu dân cư
Hơn 600 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động nằm lẫn trong khu dân cư

Kêu gọi đầu tư nhưng không hiệu quả

Từ năm 2014, tỉnh Bình Định đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu giết mổ gia súc tập trung, nhưng những ưu đãi này không thu hút được nhiều doanh nghiệp.

Năm 2014, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định (QĐ) số 33/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án quy hoạch cơ sở GMĐVTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2017, tỉnh Bình Định sẽ đầu tư xây dựng mới 13 cơ sở GMĐVTT. Theo đó, TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước mỗi địa phương 2 cơ sở; An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão mỗi địa phương 1 cơ sở với tổng công suất giết mổ mỗi ngày đêm khoảng 36 con bò, 1.260 con heo và 10.000 con gia cầm. Năm 2015 - 2016,  xây dựng mới 2 cơ sở GMĐVTT trên  địa bàn TP. Quy Nhơn để làm điểm, sau đó, nhân rộng ra các địa phương khác. Nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và cá nhân đưa gia súc gia cầm (GSGC) vào giết mổ tại các cơ sở GMĐVTT đều được sự hỗ trợ của Nhà nước...

UBND tỉnh Bình Định cũng đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức công khai quy hoạch và chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT, đồng thời, giám sát thực hiện quy hoạch, kịp thời trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Hiện, ở TP. Quy Nhơn (Bình Định), có đến 150 điểm giết mổ nằm xen kẽ trong nhà dân. Tuy vậy, đến nay, chỉ có 1 doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT với công suất giết mổ 400 con heo/ngày đêm. Song tiến độ thực hiện dự án cũng rất chậm, các hạng mục tường rào cổng ngõ, khu giết mổ, chuồng nuôi gia súc, khu xử lý nước thải, trạm điện... vẫn còn dở dang. Dự kiến công trình kéo dài đến quý I/2017, mới có thể hoàn thiện.

Không chỉ chậm tiến độ, trong quá trình thực hiện dự án, DN chưa bám sát chủ trương chính sách và quy định của tỉnh, chưa hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng, thiết kế, đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn thực hiện xây dựng một số hạng mục công trình.

Để kiểm soát hết lượng gia súc đưa vào giết mổ cần phải tập trung về một đầu mối
Để kiểm soát hết lượng gia súc đưa vào giết mổ cần phải tập trung về một đầu mối

Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

Thực hiện Đề án quy hoạch cơ sở GMĐVTT trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2020 là một trong những giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy ngành nghề chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy vậy, với tiến độ như hiện nay, rất khó có thể đảm bảo được mục tiêu và lộ trình đề ra.

Được biết, thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ, Sở NN&PTNT Bình Định đã phối hợp với UBND TP. Quy Nhơn tiến hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT. Quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo Sở cũng thường xuyên đến hiện trường để đôn đốc, nhắc nhở DN thực hiện đúng quy định và quy trình đầu tư theo các phân khu chức năng. Thông qua qua quá trình kiểm tra nếu phát hiện DN không thực hiện xây dựng theo quy định các  ngành chức năng sẽ yêu cầu DN tạm dừng xây dựng các hạng mục mới.

Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Quy Nhơn và DN bàn bạc, cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc về đường giao thông ra - vào cơ sở giết mổ, hệ thống điện... trong khu vực GMĐVTT; hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường và hồ sơ xây dựng; xây dựng phí dịch vụ giết mổ trình HĐND tỉnh xem xét để giúp DN đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành khu GMĐVTT.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức tập huấn quy trình kiểm soát GMĐVTT cho lực lượng kiểm dịch viên; tiếp tục phối hợp kiểm tra hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đối với các hộ hành nghề giết mổ GSGC tự phát, để bà con biết và thực hiện quy hoạch xây dựng các cơ sở GMĐVTT của tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến, đến cuối năm nay, khu giết mổ gia súc tập trung đầu tiên ở Bình Định sẽ đi vào hoạt động nhưng chỉ với một điểm cũng không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi hơn nữa nhanh chóng có thêm các khu GMĐVTT khác ra đời.

                                                                                                          Bài và ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cần đẩy nhanh tiến độ các Khu giết mổ tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO