An Hòa là xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện vùng cao An Lão, có tổng diện tích tự nhiên là 4.115,71 ha. Trong đó có 1.789,57 ha đất sản xuất nông nghiệp (riêng đất lúa là 274 ha), đất lâm nghiệp 1.767,34 ha, các loại đất khác 558,81ha.
Toàn xã có 9 thôn với 3.572 hộ, dân số 12.637 người, là xã có dân số đông nhất huyện An Lão tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hàng năm 0,92%. Xã có 7.078 người trong độ tuổi lao động, bằng 56,01% dân số.
Xã An Hòa, huyện An Lão xây dựng nông thôn mới |
Xã An Hòa cũng như huyện An Lão nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Gia Lai và vùng duyên hải miền Trung nên địa hình có độ dốc cao, không bằng phẳng. Địa hình chủ yếu là đồi núi (chiếm 68,6 % diện tích tự nhiên) và ruộng bậc thang bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Các sông suối có độ gấp khúc lớn, độ dốc cao. Chính địa hình này đã gây khó khăn cho quá trình sản xuất nông nghiệp: mùa mưa bị ngập úng, lũ quét gây xói lở; mùa khô thiếu nước tưới.
Tuy điều kiện khó khăn nhưng những năm qua dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự chỉ đạo, giúp đỡ của UBND huyện và các ngành đoàn thể cùng với sự nổ lực quyết tâm, tranh thủ thời cơ vượt qua khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã An Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Xã An Hòa đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới |
UBND xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên lĩnh vực giao thông nông thôn, thủy lợi, công trình phúc lợi xã hội. Nhìn chung đến nay địa bàn xã An Hòa có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng được xây dựng, tổ chức thu gom rác thải chôn lấp đúng nơi quy định, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Qua kết quả thẩm định rà soát hiện trạng 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã, đến nay xã An Hòa đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã đầu tiên của huyện An Lão về đích nông thôn mới.
Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, từ việc xác định rõ “Nông dân là chủ thể” người dân đã ngày càng tham gia được nhiều hơn vào công việc của hệ thống chính trị. Nguồn lực đó chính là niềm tin và sự đồng thuận của hầu hết người dân trên địa bàn xã hưởng ứng tích cực đóng góp tài lực cho xây dựng nông thôn mới.
Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở các thôn là nhận thức của nhân dân đã từng bước được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc để xây dựng các công trình trên địa bàn thôn. Điển hình ở thôn Hưng Nhượng có 25 hộ tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường giao thông. Bên cạnh đó, xã An Hòa phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, có 235 hộ dân hiến đất khoảng 12.570m2.
Quá trình xây dựng đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, An Hòa xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ đã có những sản phẩm tham gia chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương và chất lượng cuộc sống người dân.
Vườn rau sạch an toàn của anh Nguyễn Văn Truyền và anh Lê Văn Kỳ ở thôn Vạn Long, xã An Hòa |
Chúng tôi có dịp ghé thăm vườn rau sạch an toàn của anh Nguyễn Văn Truyền và anh Lê Văn Kỳ ở thôn Vạn Long, xã An Hòa mới thấy sự khát khao làm giàu để thay đổi cuộc sống của người dân An Hòa. Trên diện tích 3ha, anh Truyền và anh Kỳ trồng khổ qua, ớt, dưa lưới với số vốn đầu tư 200 triệu đồng, đến nay vườn rau đã cho 2 mùa thu hoạch giúp cho gia đình chủ vườn có cuộc sống đủ đầy hơn trước.
Anh Nguyễn Văn Truyền chia sẻ nhọc nhằn trồng rau sạch an toàn |
Anh Nguyễn Văn Truyền chia sẻ: Sản xuất theo quy trình sau an toàn, những trái khổ qua xanh mướt, trái lớn hơn rất nhiều so với cách chăm sóc bình thường trước đây. Mô hình mới nên chúng tôi bỏ nhiều công sức, tiền bạc, nhân lực để chăm sóc. Có được giàn khổ qua xanh mướt thế này, phải có hơn 1.400 trụ tre để dựng giàn, chưa kể phân bón và công chăm sóc. Cái khó nhất vẫn là tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm rau sạch tại các siêu thị, chợ lớn biết đến sản phẩm địa phương chúng tôi.
Khách tham quan Cơ sở đồ mỹ nghệ Minh Thọ của ông Lê Văn Thọ ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa |
Hay vào thăm Cơ sở đồ mỹ nghệ Minh Thọ của ông Lê Văn Thọ ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa thưởng lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, kỳ công từ gỗ vườn. Để sản phẩm mỹ nghệ được nhiều người biết đến và phát triển tại địa phương, UBND huyện An Lão đang làm thủ tục được công nhận là sản phẩm OCOP.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn liền với phát triển nông nghiệp, du lịch và lộ trình xây dựng nông thôn mới tại xã An Hòa. Hiện An Hòa đã có sản phẩm được công nhận OCOP là cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư sản phẩm đạt 3 sao và tiêu An Lão của gia đình ông Trần Đông Y.
Người dân mong chờ nhiều chuyến hàng của thương lái tìm về sản phẩm địa phương |
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Trần Nam Trung – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Sau khi thực hiện chương trình nông thôn mới, thì địa phương có rất nhiều sản phẩm đặc trưng được công nhận sản phẩm OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó có thủ công mỹ nghệ là sản phẩm làm từ gỗ vườn đang được khuyến khích bà con trồng gỗ mít, keo, gỗ vườn để tăng giá trị kinh tế. Trên địa bàn xã, người dân bắt đầu phát triển chăn nuôi heo đen, vườn rau sạch an toàn thì chúng tôi hỗ trợ bằng những nguồn vốn, giống vật nuôi, cây trồng để bà con chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghệ mới. Đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương ra thị trường trong tỉnh.
Nông thôn mới đã làm thay đổi chất lượng sống của người dân |