Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Người dân bỗng dưng mất đất khai hoang từ năm 1989

18/12/2018 09:58

(TN&MT) – Đất của các hộ gia đình khai hoang, canh tác ổn định, có hợp đồng sản xuất và bảo vệ nông - lâm nghiệp từ năm 1989 tại Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Bỗng dưng năm 2014, người dân mới tá hỏa khi phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà văn hóa đã cấp chồng lấn lên. Khi gửi đơn lên UBND thị xã Bỉm Sơn thì có dấu hiệu ép dân rút đơn?

Bỗng dưng mất đất?

Theo đơn phản ánh của 4 hộ dân gồm ông: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Ngọc Lân, khu phố 7, phường  Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn: Các hộ gia đình chúng tôi tự khai hoang để trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp, đất đã sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay, giáp ranh xung quanh nhà văn hóa khu phố 7, phường Bắc Sơn. Có hợp đồng sản xuất và bảo vệ lâm - nông nghiệp với xí nghiệp truyền giống cư trâu bò số 5 (nay là Công ty thức ăn gia súc Thanh Ninh) đã được lãnh đạo của khu phố 7 qua các thời kỳ xác nhận. Đến năm 2011 đo đạc và năm 2014 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhà văn hóa khu phố 7 thì không mời các hộ giáp ranh, lãnh đạo khu phố và nhân dân đều không được biết. Vì vậy, GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 đã chồng lấn lên toàn bộ diện tích của các hộ dân chúng tôi khai hoang từ năm 1989 đến nay nhưng không được thỏa thuận, bồi thường hoặc hỗ trợ.

Người dân bức xúc khi đất khai hoang và canh tác 30 năm nay bỗng dưng bị mất trắng?
Người dân bức xúc khi đất khai hoang và canh tác 30 năm nay bỗng dưng bị mất trắng?

Cụ thể: Đất của nhà văn hóa khu phố 7 cấp chồng lấn lên đất của hộ bà Nguyễn Thị Vinh là 484m2 (diện tích này đã trồng 1 vườn keo từ năm 2000, trồng đợt 3); chồng lấn vào diện tích của hộ ông Phạm Ngọc Lâm 500m2 (diện tích này trồng keo và vải, trồng đợt 3 năm 1991); chồng lấn vào diện tích hộ bà Nguyễn Thị Hoa khoảng 700m2 (diện tích này trồng vải từ năm 1991).

Hợp đồng sản xuất và bảo vệ nông – lâm nghiệp giữa người dân và Xí nghiệp truyền giống trâu bò số 5.
Hợp đồng sản xuất và bảo vệ nông – lâm nghiệp giữa người dân và Xí nghiệp truyền giống trâu bò số 5.

Đến năm 2018, ông Phạm Ngọc Thời là nguyên trưởng khu phố 7 từ năm 2007-2012 có đơn kiện, Đoàn Thanh tra của thị xã Bỉm Sơn đã ra làm việc đo đạc và đưa bản ra bản đồ 2011, thì toàn thể người dân mới tá hỏa biết rằng GCNQSDĐ của nhà văn hóa khu phố 7 chồng lấn vào toàn bộ diện tích của 3 hộ dân (nêu trên). Lãnh đạo khu phố và và các hộ dân có ý kiến kiến nghị với Đoàn thanh tra nhưng không hiểu vì lý do gì mà Thanh tra thị xã Bỉm Sơn lại kết luận rằng “Đất của chúng tôi chuyển nhượng trái quy định của pháp luật”. Kết luận như vậy là hoàn toàn sai trái, thiếu tinh thần trách nhiệm, không lấy dân làm gốc. Đặc biệt, khi các hộ dân chúng tôi gửi đơn kiến nghị lên UBND thị xã Bỉm Sơn, ông Lê Văn Thường (Chánh Thanh tra thị xã có thái độ ép dân rút đơn, bỏ ngoài tai những vấn đề mà nhân dân đã trình bày một cách thực tế).

Kiến nghị lên Đoàn Thanh tra nhưng bị bỏ ngoài tai

Ông Nguyễn Đình Thi bức xúc cho biết: Năm 2014 tôi có mua lại vườn keo của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh đã trồng được 14 năm tuổi, mục đích để khai thác gỗ. Đây là đất của gia đình bà Vinh khai hoang từ năm 1989. Tất cả các hộ dân ở khu phố 7 đều biết, cũng như trưởng khu phố qua các thời kỳ chứng thực. Đợt vừa qua ông Phạm Ngọc Thời có đơn kiện gửi lên UBND thị xã Bỉm Sơn, sau đó đoàn Thanh tra về làm việc, đo đạc, tôi mới tá hỏa biết rằng diện tích vườn keo tôi mua của hộ bà Nguyễn Thị Vinh đều nằm trong diện tích được cấp theo GCNQSDĐ năm 2014 của nhà văn hóa khu phố 7. Khi 3 hộ dân có đất cùng với tôi là người mua lại có ý kiến kiến nghị lên Đoàn Thanh tra thì không được chấp nhận, bỏ ngoài tai. Sau đó kết luận “Đất của chúng tôi chuyển nhượng trái quy định của pháp luật”, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của gia đình tôi. Chúng tôi yêu cầu UBND thị xã Bỉm Sơn làm rõ, trả lại đất cho các hộ dân.

Hiện trạng nhà văn hóa khu phố 7 được các trưởng khu phố 7 qua các thời kỳ xác nhận chỉ khoảng 2000m2
Hiện trạng nhà văn hóa khu phố 7 được các trưởng khu phố 7 qua các thời kỳ xác nhận chỉ khoảng 2000m2

Còn bà Nguyễn Thị Vinh cho biết: Diện tích đất nêu trên gia đình tôi đã khai hoang từ năm 1989, tất cả người dân trong khu phố đều biết. Có hợp đồng sản xuất và bảo vệ lâm - nông nghiệp với xí nghiệp truyền giống cư trâu bò số 5 ( thuộc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN&PTNT, nay là Công ty thức ăn gia súc Thanh Ninh). Năm 2011 cơ quan chức năng về đo đạc bản đồ và năm 2014 cấp GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7, 3 hộ dân chúng tôi là các hộ giáp ranh nhưng đều không được mời tới đo đạc thực địa.

Trước đây, hiện trạng nhà văn hóa khu phố 7 chỉ có diện tích khoảng 2000m2, thế nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan chức năng đo đạc cấp lên cả những quả đồi cao mà gần 30 năm qua các gia đình đang khai hoang và canh tác ổn định. Nhà văn hóa có sau khi chúng tôi về đây khai hoang, hiện trạng giờ cũng là đất mà chúng tôi hiến tặng. Và tại sao 3 hộ dân giáp ranh đều không được mời tới khi đo đạc, rõ ràng là rất mập mờ? Bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt khai hoang cây cối rậm rạp để trồng trọt giờ bị cướp không trắng trợn, thử hỏi công lý ở đâu? – Bà Vinh bức xúc nói

Ông Lê Duy Thư, Bí thư chi bộ khu phố 7 từ năm 2012-2018, phường Bắc Sơn cho biết: Tôi làm Bí thư Chi bộ năm 2012, năm 2014 cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 tôi đều không được biết. Năm 2012 khi được bầu làm Bí thư khu phố, tôi cùng 7 trưởng khu phố qua các thời kỳ đã tiến hành đo đạc lại hiện trạng của nhà văn hóa từ khi được hình thành. Diện tích khoảng 2000m2 và cắm mốc giới. Không có việc chồng lấn lên diện tích của 3 hộ khai hoang kể trên. Đây là hiện trạng nhà văn hóa khu phố 7 từ khi hình thành tới nay, tất cả các trưởng khu phố đều chứng thực. Ba hộ dân kể trên khai hoang từ những năm 1989 và canh tác ổn định tới nay tôi và người dân trong khu phố đều có thể làm chứng. Làm sao có thể cướp không công sức của người dân như thế được!

Trao đổi với ông Lê Văn Thủy – Cán bộ địa chính phường Bắc Sơn cho biết: Theo sổ mục kê năm 1997 thì đây là diện tích đất của Nông trường Hà Trung. Tôi cũng vừa luân chuyển về phường được vài năm nên nguồn gốc đất cũng không nắm rõ. Còn việc các hộ dân kể trên khai hoang từ năm 1989 sẽ có người dân làm chứng.

Khi được hỏi vì sao khi đo đạc bản đồ để tiến hành cấp GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 các hộ giáp ranh đều không được mời tới. Ông Thủy cho hay, khi đó ông chưa về công tác ở phường, nên không biết, nhưng về nguyên tắc kể cả khi cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình cũng phải mời các hộ giáp ranh xem có chồng lấn. tranh chấp không và ký vào biên bản!

Diện tích đất người dân khai hoang từ năm 1989 và canh tác ổn định gần 30 năm, có hợp đồng sản xuất, bảo vệ nông – lâm nghiệp tại sao khi đo đạc, cấp GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 vào người dân lại không được hỗ trợ, đền bù. Đặc biệt khi đo đạc các hộ dân giáp ranh đều không được mời tới và người dân trong khu phố đều không ai hay biết. Việc đo đạc bản đồ mới được thực hiện gần đây, trong khi đất người dân khai hoang đã 30 năm nay. Vậy tại sao quyền lợi của người dân đều bị Đoàn Thanh tra thị xã Bỉm Sơn bỏ ngoài tai?

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Người dân bỗng dưng mất đất khai hoang từ năm 1989
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO