Biến phụ phẩm nông nghiệp thành tài nguyên tái tạo

Linh Chi| 30/09/2022 15:55

(TN&MT) - Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường đã mang lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phụ phẩm lớn; lượng sản phẩm phụ này nếu khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Tiềm năng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Nếu chúng ta biết tận dụng và xử lý chế biến tốt nguồn phụ phẩm thành nguồn tài nguyên tái tạo thì sẽ mang lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp.

khuyen-khich-xu-ly-phu-pham-no-7229-5489-1654332127_1200x0.jpg
Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường còn thấp.

Hiện trong lĩnh vực thủy sản đã có nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra….; những nguyên liệu này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững cũng được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong sản xuất lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng. Tại các mô hình này, ước tính toàn bộ thân cây bắp, phần lớn lượng rơm và 1/3 số phụ phẩm trên cây lâu năm và phụ phẩm rau được tận dụng để tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm…, ngoài ra, một phần cỏ dại cũng được tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác, qua đó giúp gia tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng. Trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí về kinh tế.

Nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng

Tại Hội thảo với chủ đề "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo" vừa diễn ra tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có khối lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng để tạo giá trị tăng thêm và giảm tác động tiêu cực đến môi trường còn thấp. Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Để làm được điều này phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp. Đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Khuyến cáo và hỗ trợ (mặt bằng, vốn, công nghệ) các chủ thể sản xuất nông nghiệp để họ chú trọng thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế. Khuyến khích các địa phương trên cả nước, dựa vào các mô hình đã có và điều kiện cụ thể của mình phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp cho phù hợp. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Đồng thời hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo từng chu trình: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất). Đẩy mạnh triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào trồng nấm, đậu tương, ngô, khoai tây...; khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...; khuyến cáo, thậm chí cấm đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, cấm các cơ sở chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành tài nguyên tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO