Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Thích ứng và chung sống!

11/12/2015 00:00

(TN&MT) - Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), khoảng 35% dân số của vùng, tương đương gần 6,3 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. Trước những nguy cơ hiện hữu này các chuyên gia đã “hiến kế” để phát triển đô thị thích ứng với BĐKH, đồng thời đưa ra biện pháp toàn diện kiểm soát lũ tại khu vực.

Phát triển đô thị thích ứng với BĐKH

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 161 đô thị. Dưới tác động của thiên tai, 15 thành phố của vùng ĐBSCL đều bị ngập do cả lũ, triều cường và mưa lớn. Tác động của BĐKH làm cho chế độ mưa lũ thay đổi cực đoan, mực nước biển dâng khiến tình trạng ngập lụt ở ĐBSCL, đặc biệt ở các đô thị diễn ra ngày càng gay gắt.

Tác động dễ nhận biết và chịu nhiều tổn thất về kinh tế nhất đó là ảnh hưởng BĐKH lên đô thị, lên các thành phố lớn của vùng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, cảnh báo: Ứng với mức kịch bản phát thải trung bình, mực nước biển trung bình vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 23cm đến 27cm vào năm 2050 và tăng 59cm đến 75cm vào năm 2100. Lúc đó diện tích đất ĐBSCL bị ngập trên 0,5m là hơn 3 triệu ha. Khi đó, ngoài các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập lũ, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên bị ngập trên 1 m.

Trước thực trạng đó, vùng ĐBSCL phải tính đến việc phát triển đô thị thích ứng với BĐKH. Ông Phạm Quốc Việt, Vụ phó Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng, trước tình trạng dễ bị tổn thương nhất khi biến đổi khí hậu tác động, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nhất thiết cần ưu tiên giải quyết các vấn đề mang tính vùng, liên vùng và liên ngành. Các đô thị vùng ĐBSCL cần tập trung giải quyết các vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác lập quy hoạch, lập chương trình, kế hoạch, dự án ưu tiên và cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng, cũng như triển khai các dự án cấp vùng…

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu định cư) nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển hệ thống đô thị vùng, các địa phương nên lựa chọn các mô hình đô thị nông nghiệp với mô hình đa dạng, có gốc từ di sản định cư truyền thống để xây dựng chiến lược chủ đạo cho vùng nhằm thích ứng tốt nhất với BĐKH trong tương lai.

Người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ động kiểm soát lũ

Cùng với việc thực hiện tốt công tác quy hoạch để thích ứng với những tác động bất lợi do BĐKH gây ra, thời gian qua, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp chủ động kiểm soát lũ ở khu vực ĐBSCL, trong đó chú trọng thay đổi quan niệm của người dân về ứng xử với lũ.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, ĐBSCL không phải chỉ đối mặt với lũ mà còn là vấn đề chống hạn, thiếu nước ngọt, lượng phù sa sụt giảm, nguy cơ sụt giảm lòng sông, mưa lũ và thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tác động từ phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia thượng nguồn. Vì vậy, cần có một cách nhìn tổng thể và giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý lũ hiện tại và tương lai để phát triển bền vững trước mọi thách thức.

Giáo sư Nguyễn Tất Đắc, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho rằng, trước tác động rất lớn từ BĐKH, vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ mà còn là chuyện chống hạn, thay đổi dòng chảy, sạt lở đất, xâm nhập mặn, mất nguồn lợi từ lũ. Do đó, cần có nhiều kịch bản trong kiểm soát lũ để người dân “sống chung với lũ,” giúp họ có thể khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại.

Bên cạnh đó, cần tính tới việc để lũ vào đồng tự do và cả trong trường hợp không có để có các quy hoạch mang tính tổng thể từ vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… Có như vậy, người dân sống trong vùng lũ mới có thể khai thác được tất cả các lợi ích từ lũ và đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong bối cảnh BĐKH.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, các kịch bản kiểm soát lũ ĐBSCL cần tính tới việc chỉnh trị dòng chảy cũng như xây dựng các khu vực chứa nước ngọt nhằm cung cấp nước cho các vùng ở hạ lưu cũng như đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo mọi nhu cầu về sống chung với lũ một cách an toàn của người dân.

K.Linh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Thích ứng và chung sống!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO