Biến đổi khí hậu khiến thảm họa thiên nhiên khốc liệt hơn

Phạm Hoa - Tổng hợp từ phys.org| 19/05/2022 19:34

(TN&MT) - Lốc xoáy, còn gọi là bão hay cuồng phong, là một trong những hiện tượng thời tiết có sức tàn phá khủng khiếp nhất trên Trái đất.

Amphan - ví dụ điển hình cho thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất

Mặc dù tốc độ gió của những cơn bão này đạt tới 270km/h, tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất về người và của lại do hệ lụy của chúng - lũ lụt gây ra. Biến đổi khí hậu (BĐKH) dự báo rằng lũ lụt sẽ làm mực nước biển dâng cao hơn, gây ra tình trạng biển xâm thực ngày càng dữ dội.

Vào tháng 5/2020, siêu bão Amphan đã đổ bộ vào biên giới Ấn Độ và Bangladesh, mang theo mưa lớn và gió mạnh, gây ảnh hưởng đến hơn 13 triệu dân. Các cơn lốc xoáy cũng gây ra tình trạng lũ lụt với mực nước cao từ 2 - 4m, làm ngập các vùng ven biển ở Vịnh Bengal.

Trên biển, sức tàn phá của siêu bão Amphan lên tới cấp độ 5 và trở thành cơn bão có lốc xoáy mạnh nhất ở Vịnh Bengal kể từ năm 1999. Mặc dù, khi tiến vào đất liền, Amphan đã suy yếu thành bão cấp 2 nhưng nó vẫn là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Đồng bằng sông Hằng kể từ năm 2007.

16-2-.jpg

Siêu bão Amphan gây thiệt hại trên diện rộng tại Ấn Độ. Ảnh: Indrajit Das

Amphan đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người, kinh tế và môi trường. Nó khiến hơn 120 người thiệt mạng, làm hư hại hoặc phá hủy nhà cửa, lưới điện, khiến hàng triệu người mất điện, gây tắc nghẽn thông tin liên lạc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Các nỗ lực cứu trợ và viện trợ đã bị cản trở do thiệt hại mà lũ lụt gây ra cho hệ thống cầu, đường. Nhiều diện tích cây trồng bị hư hại, đất trồng bị xói mòn hoặc ô nhiễm do xâm nhập mặn. Đây được xem là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại lớn nhất từng được ghi nhận ở Bắc Ấn Độ Dương, tiêu tốn hơn 13 tỷ USD.

Lũ lụt có thể tồi tệ hơn trong tương lai?

Mực nước biển dâng cao phần lớn là do sự tan chảy của các dòng sông băng - nguy cơ gây lũ lụt thứ 2, chỉ sau bão. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu và dự đoán được tình trạng nước biển dâng cao sẽ khiến lũ lụt trầm trọng thêm ở mức độ nào, từ đó giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Nghiên cứu đã áp dụng các mô hình khí hậu của Dự án Đối chứng các mô hình khí hậu lần 6 (CMIP6), thông qua việc so sánh các mô phỏng do các nhóm mô hình khác nhau trên thế giới tạo ra. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thiết lập mô hình mực nước biển dâng theo các kịch bản phát thải khác nhau trong tương lai, sau đó thêm dữ liệu vào để ước tính mực nước dâng do bão lấy từ mô hình siêu bão Amphan.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 3 kịch bản cho 3 mức phát thải: thấp, trung bình và cao. Ngoài việc lập mô hình mực nước biển dâng, họ cũng ước tính dân số của Ấn Độ và Bangladesh trong tương lai để đánh giá mức độ ảnh hưởng của triều cường do bão gây ra.

Họ cho biết khả năng ngập lụt do xoáy thuận nhiệt đới sẽ gia tăng đáng kể. Ở Ấn Độ, đối với kịch bản phát thải thấp nhất, khả năng ngập lụt dao động từ 50 - 90%, trong khi đó, ở kịch bản phát thải cao nhất, con số này sẽ đạt mức 250%. Ở Bangladesh, con số này là 0 - 20% đối với kịch bản phát thải thấp nhất và 60 - 70% đối với kịch bản phát thải cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự khác biệt về nguy cơ ngập lụt giữa 2 quốc gia là do mật độ dân số ven biển giảm do di cư vào thành thị.

Nhóm nghiên cứu cho biết, con số này sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2100. Ngay cả trong kịch bản phát thải toàn cầu tương đối thấp, dân số địa phương chịu ảnh hưởng của lũ lụt do bão từ một sự kiện như Amphan sẽ tăng thêm 350.000 người. Trong khi đó, đối với kịch bản phát thải cao, 1,35 triệu dân sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng của lũ lụt do bão, với độ sâu lũ trên một mét, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.

Nghiên cứu này sẽ hỗ trợ cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính một cách nhanh chóng và lâu dài, nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu nhận định, ngoài lũ lụt do triều cường, các hệ lụy khác đi kèm với lốc xoáy cũng sẽ gây tác động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như các đợt nắng nóng chết người sau khi các cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong trường hợp của Amphan, sự tác động lẫn nhau giữa BĐKH và đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng của người dân tồi tệ hơn bao giờ hết. Trước sự nóng lên của Trái đất, chúng ta không thể tránh khỏi thực tế rằng đại dịch và thảm họa thiên nhiên sẽ liên tục gia tăng.

Để bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương do BĐKH, các hành động giảm thiểu phát thải đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ có hành động tức thì của các chính phủ trên thế giới mới hy vọng giảm thiệt hại do bão và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu khiến thảm họa thiên nhiên khốc liệt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO