Biến đổi khí hậu: Amazon - “Lá phổi” đang bốc cháy của hành tinh

20/10/2018 22:18

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, là rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, nơi tập trung tới 1/3 đa dạng sinh học của toàn cầu, hấp thụ 10% khí thải CO2 và sản...

 

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, là rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, nơi tập trung tới 1/3 đa dạng sinh học của toàn cầu, hấp thụ 10% khí thải CO2 và sản sinh ra 20% lượng O2 của toàn thế giới, từ lâu rừng Amazon đã được mệnh danh là “lá phổi” của hành tinh.

Tuy nhiên, những số liệu và nghiên cứu gần đây đang cảnh báo nguy cơ “lá phổi” này bốc cháy.

 

ttxvn 2010rung Amazon
Một khoảng rừng Amazon bị phá hủy để xây dựng cơ sở khai thác khí đốt ở Cuzco của Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Mạng tin IPS tổng kết trong 14 năm qua, khu rừng nhiệt đới khổng lồ tại Nam Mỹ này đã chịu 3 đợt khô hạn tồi tệ nhất trong vòng 100 năm.

Các dữ liệu thu thập được tại vùng lòng chảo Amazon - qua vệ tinh, nghiên cứu trên không và trạm, tháp khí tượng - đưa tới dự đoán về các đợt khô hạn kéo dài hơn và thường xuyên hơn tại vùng rừng này trong những thập kỷ tới.

Khu rừng nhiệt đới thường có sức chống hạn khá cao này trong tương lai sẽ có ít thời gian để phục hồi hơn giữa các đợt khô hạn.

Vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ đang tăng dần của khu vực có thể đạt tới mức cao nhất trong vòng 10 triệu năm qua và do đó, gây bất ổn cho một hệ sinh thái có vai trò trọng tâm trong nhiệm vụ điều tiết khí hậu toàn cầu.

Cho tới gần đây, giới khoa học vẫn tin rằng các khu rừng nhiệt đới trên thực tế gần như miễn nhiễm với lửa tự nhiên, và rất ít khi có sét đánh gây cháy mà không kèm theo trời mưa.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi trời ngừng mưa. Khác với các đám cháy tại các khu rừng ôn đới khô hanh, tính chất của rừng nhiệt đới khiến cho mỗi đám cháy đều tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy còn lớn hơn vào năm sau.

Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán rằng trong khoảng 1999-2010, có tới 3% diện tích rừng Amazon đã bị cháy.

Trong những năm có những đợt cháy rừng lá thấp nghiêm trọng nhất, diện tích rừng bị cháy còn vượt cả diện tích bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và hoạt động canh tác nông nghiệp. Trong những năm khô hạn, tình trạng trên còn bị làm trầm trọng hơn bởi nạn phá rừng.

Trong những năm bình thường, hơn 7 triệu km2 rừng nhiệt đới của Amazon hoạt động như một máy hút CO2 tự nhiên của toàn cầu: khối lượng CO2 được hấp thụ luôn cao hơn so với khối lượng CO2 bị thải ra.

Tuy nhiên, trong những năm khô hạn, khi nhịp độ tăng trưởng của thảm thực vật suy giảm và các cây lớn bị chết, khối lượng CO2 được hấp thụ sụt giảm.

Khi đó, Amazon không chỉ không thể hoàn thành chức năng “lá phổi hành tinh” mà còn dần chuyển thành một nguồn thải khí CO2. Thêm vào đó, hậu quả của khô hạn nghiêm trọng sẽ kéo dài vài năm.

Các nhà khoa học nhận định có 3 biện pháp quan trọng mà chính phủ các nước có rừng Amazon có thể áp dụng: thứ nhất là việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu trọn vẹn về cơ chế tác động phức tạp giữa khô hạn, cháy rừng và phá rừng. Thứ hai, từ các dữ liệu hoàn chỉnh trên, đề ra các chính sách ứng phó mang tính tổng thể hơn với tất cả các loại nguy cơ đối với rừng nhiệt đới và cuối cùng là trang bị trang thiết bị và các trợ giúp phòng chống hỏa hoạn khác cho các cộng đồng thổ dân bản địa sống trong rừng.

Từ năm 1970, hơn 1/5 diện tích rừng Amazon đã bị hủy hoại bởi hoạt động khai thác lâm sản và canh tác, chăn thả nông nghiệp.

Giờ đây, hiện tượng biến đổi khí hậu đang nhân rộng những hậu quả tai hại mà hoạt động của con người gây ra cho “lá phổi” của hành tinh, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng già Amazon sẽ không chỉ giới hạn ở việc ngăn ngừa khai thác trái phép, mà còn có cả cuộc chiến chống lại cháy rừng./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu: Amazon - “Lá phổi” đang bốc cháy của hành tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO