Bí ẩn bãi đá cổ trên cao nguyên đá Đồng Văn

30/06/2015 00:00

(TN&MT) - Cùng với một số bãi đá cổ được phát hiện ở khu vực Tây Bắc, ở Hà Giang mới đây, tại tại khu vực giáp danh 2 thôn Tả phìn Và Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng...

 

(TN&MT) - Cùng với một số bãi đá cổ được phát hiện ở khu vực Tây Bắc, ở Hà Giang mới đây, tại tại khu vực giáp danh 2 thôn Tả phìn Và Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng phát hiện thêm một bãi đá cổ. Bãi đá cổ có 5 tảng đá với kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những hình khắc cổ, mang những thông tin chưa có lời giải mà người xưa để lại.

Các nhà khoa học khảo sát bước đầu những tảng đá mang hình khắc cổ ở xã Hố Quáng Phìn.
Các nhà khoa học khảo sát bước đầu những tảng đá mang hình khắc cổ ở xã Hố Quáng Phìn.

Khu vực có những tảng đá mang hình khắc cổ là nơi có những dải núi đất nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. 5 tảng đá to có hình khắc vẽ nằm rải rác, xen kẽ giữa hàng chục tảng đá lớn nổi trên bề mặt. Theo xác định, tất cả có hơn 100 hình khắc trên những tảng đá đó. Các hình này được tạo bằng cách đục khắc trên bề mặt tảng đá thành những rãnh sâu hình lòng máng. Quan sát những dấu vết để lại trong rãnh khắc cho thấy người xưa đã sử dụng dụng cụ có đầu nhọn, có thể bằng kim loại để tạo nên những hình họa bí ẩn. Hầu hết, những hình khắc được tạo nên đều mang tính biểu tượng cao. Mô típ thể hiện qua những hình khắc gồm: Những hình tròn ở giữa có khoét lỗ vũm, hình tròn xoáy ốc, hình sin, hình chữ nhật có lỗ vũm ở giữa, hình khắc vạch song song dạng bậc thang. Đáng chú ý hơn cả là hình sinh thực khí của nữ giới với hình tam giác khá cân xứng với lỗ đục sâu ở giữa. Số còn lại là những hình không xác định.

Theo PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Đào tạo, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những tảng đá này thực chất là đá gốc trồi lên, là loại đá granite biến chất, tương tự như loại đá có hình khắc ở thung lũng Mường Hoa, Sa Pa, Lào Cai. Có thể nói, những hình khắc trên đá ở Hố Quáng Phìn là những tác phẩm thực sự của người xưa. Những hình khắc mang tính biểu tượng rất cao, chứa đựng những mã ký hiệu ghi ý. Các chủ đề hình khắc này cho thấy cư dân chủ nhân của những hình khắc muốn thể hiện 2 nội dung là bản đồ đánh dấu khu vực và tính phồn thực.

Đứng trên vị trí phân bố bãi đá cổ, những hình khắc trên đá có tính cổ xưa này đem lại ta cảm giác như chúng là một bức bản đồ ghi lại khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Nó có ý nghĩa thực tiễn như đánh dấu vị trí địa lý các khu rừng, đồi núi, cụm cư trú, hay ruộng nương. Sự có mặt của hình sinh thực khí nữ giới cho chúng ta biết tín ngưỡng phồn thực rất thịnh hành trong đời sống đương thời và có nhiều khả năng xã hội của chủ nhân các hình khắc vẽ đang trong chế độ mẫu hệ được coi trọng với nền sản xuất nông nghiệp.

Theo các nhà nghiên cứu, qua điều tra dân tộc học, các bậc cao tuổi ở địa phương cho biết, đã từ bao đời nay sự tồn tại của bãi đá cổ với những hình khắc luôn là điều bí ẩn. Phần lớn người dân địa phương cho rằng, đó là do những “người trời” tạo ra để đánh dấu nơi họ hạ giới và họ coi những tảng đá, hình khắc là điều linh thiêng bí ẩn. Như vậy, nội dung những tác phẩm trên đá ở đây và chủ nhân đích thực của những hình khắc trên vẫn còn là diều bí ẩn. Qua so sánh với các di tích đương đồng khác ở khu vực Tây Bắc, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng bãi đá cổ ở xã Hố Quáng Phìn có niên đại khoảng trên 1.000 năm.

Một điều đặc biệt là hiện nay bãi đá cổ Hố Quáng Phìn nằm trên khu vực mỏ vonfram đang được khai thác. Do đó, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu về bí ẩn của bái đá, rất cần có sự quan tâm, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa này, phục vụ cho sự phát triển của Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài & ảnh: Huy Toán

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn bãi đá cổ trên cao nguyên đá Đồng Văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO