Bếp nhà ta

Nhà thơ Đỗ Trung Lai| 19/01/2023 22:37

(TN&MT) - Người Việt, ai cũng đều yêu căn bếp nhà mình!

Ai nấu nướng tinh thông được gọi là “Vua bếp”. “Bếp đỏ lửa” là dấu hiệu no ấm, yên vui của mọi gia đình ở bất cứ vùng nào. Bếp lạnh rồi, thì con mèo nhà ta cũng chẳng còn tro ấm mà nằm!
Ngược về quá khứ, lịch sử đã chứng minh, lửa làm chín thức ăn để con người không còn đồng hạng văn minh cùng muông thú.
Bếp định vị lửa ẩm thực.

Bếp quy định giờ ăn - lịch sinh hoạt của người.

Bếp thử thách thiên chức, lòng hiếu khách và tài nấu nướng “nội tướng” nhà ta.

Bếp là sự tin cậy của đàn ông với đàn bà (và đôi khi ngược lại).

Bếp là nơi mẹ dạy con gái, là nơi mẹ chồng thử nàng dâu.

Bếp là nơi các cô cậu học trò nghèo vừa đun vừa học.

Ăn đứng đầu “tứ khoái”, thế nên bếp càng dễ được yêu - nó là khâu cuối cùng trước sự ăn.

adasda.jpg
Minh họa Trà My

Cô bạn tôi tốt nghiệp đại học bao năm, lại cũng đã lâu năm dính dáng vào chữ nghĩa, một hôm hỏi tôi: Anh có biết em thích cái gì nhất không? Tôi hỏi: Là cái gì vậy? Cô ta đáp một câu xanh rờn: Một căn bếp rộng rãi, trắng phau! Từ đó, tôi thấy cô ấy giàu nữ tính hơn tôi tưởng.

Anh bạn tôi tài giỏi, kiếm tiền đầy nhà, không mời tôi đi nhà hàng, lại mời về nhà để “biết vợ tôi nấu nướng thế nào” - anh bảo. Quả là, được ăn ngon trong ánh mắt trìu mến của người thân, của bạn bè, thì thấy ngon lên nhiều lần thật.

Lại nhớ Nguyễn Tuân từng bảo: Muốn bổ thì ra hiệu thuốc Tây mua thuốc mà uống! Còn ăn, là phải ngon miệng. Chà, cái ông già tinh quái này, gián tiếp ca ngợi căn bếp - nghề bếp hay đến thế thì thôi!
Nhưng thôi, tôi đang kể về căn bếp nhà tôi cơ mà.

Quê tôi ở đồng bằng Bắc Bộ, bao đời đun bếp bằng rạ, bằng rơm, bằng lá chuối khô, chỉ giỗ Tết mới dùng củi. Mẹ tôi thường nói: Gạo châu, củi quế. Chao ôi, bao nhiêu đời coi gạo như ngọc, coi củi như quế - để mà biết thu vén gia đình, xây dựng gia phong cần kiệm!

Bếp nhà tôi có chín ông “đồ rau”, tức là chín “ông táo”, để có thể bắc được ba nồi - một nồi cơm, một nồi thức ăn và một nồi nước vối. Rõ là cứ ba “ông đồ rau” thì bắc được một nồi. Thực ra, là có hai “ông”, một “bà”, thế mà lại gọi tất cả là “ông đồ rau”. Buồn cười thật!

Dùng “đồ rau” tốt hơn dùng kiềng gang, kiềng sắt. Vì kiềng có ba chân nhỏ, bếp “hở”, lửa lùa ra ngoài nhiều, phí rơm, phí rạ. Còn dùng “đồ rau”, lửa chụm đáy nồi nhiều hơn, bếp ấm lâu hơn, tiết kiệm đồ đun hơn.

Hồi ấy, chúng tôi thường phải đi học xa, cứ 4 giờ sáng, mẹ tôi lại dậy nấu cơm để chúng tôi ăn sớm mà đi học cho kịp giờ. Ngon nhất là những bữa cơm gạo mới. Hình ảnh mẹ tôi, chị tôi bên bếp lửa bập bùng lúc trời còn chưa sáng hay những buổi tối mùa đông, vô cùng ấm áp, thân thương trong lòng tôi!

Hồi ấy, cứ khoảng đầu tháng Chạp, cha tôi lại sai anh em tôi đi kiếm đất sét, hay tối thiểu là đất thịt, về để nặn bộ “đồ rau” mới.
Cha con tôi đập vụn đất, trộn giấy bản vào cho sau này “đồ rau” không nứt nẻ, rồi rắc nước vào, tạo dẻo như đất làm gạch. Sau đó chia đều làm chín khối, đập xoa nắn vuốt thành chín “ông đồ rau”.

Cứ ba “ông” thì “ông” ở giữa bị ngón tay ấn vào bụng tạo “rốn” và gọi là “bà”. Để trong bóng râm vài ba tuần, “đồ rau” rắn chắc lại là được.
Vào ngày 23 tháng Chạp - ngày “ông táo chầu trời”, chúng tôi đặt bộ “đồ rau” mới vào vị trí, gánh bộ “đồ rau” cũ lên Đường Đình, chỗ có nhiều cá chép, thả các “ông, bà táo” xuống sông. Tất nhiên là trước đó đã thắp hương và làm cơm “tiễn ông táo”. Phải cố sống tốt, để khi cưỡi chép lên thiên đình, các táo quân có được báo cáo tốt về mình; để lại có một năm sau no ấm yên vui.

Nhiều năm nay, tôi không còn được nặn “ông đồ rau” nữa! Thực ra, tôi đã thôi nặn “ông đồ rau” từ ngày nhập ngũ - năm 1972 - tức là đã nửa thế kỷ rồi!

Bây giờ tôi ở thành phố, nấu ăn bằng bếp ga, nồi xoong i-nốc, thủy tinh không còn ám khói đen muội.

Bây giờ người dân quê cũng ít nhà dùng “ông đồ rau”.

Ôi, căn bếp nhà ta ngày xưa! Cả ta và người đều thuộc về một thế giới đã xa xưa.

Nhưng cứ mỗi khi vào ngày 23 tháng Chạp, thì không nhà nào không sửa soạn một mâm lễ vật để cúng tiễn ông công ông táo (mà theo cách gọi của quê tôi, là “ông đồ rau”) lên chầu Ngọc Hoàng để báo cáo tình hình gia chủ trong một năm. Khi ấy, lòng người thức tỉnh, thành thật khai báo những lỗi lầm thiếu sót, hứa trong năm mới sẽ sửa sang. Khi ấy, “ông đồ rau” mới thật sự hiển hiện trở về trong tâm thức con người.

Giờ đây, càng những ngày cuối năm gần lại, lứa những người như chúng tôi càng nhớ về những tục cũ nếp xưa.

Viết lại chuyện này, chẳng phải để khôi phục lại những nếp xưa tục cũ ấy, chỉ là vừa vọng cố hương, vừa mong những thế hệ sau nhớ cho, dù có tiến lên hiện đại văn minh, dù có bếp từ bếp ga bếp điện, thì ngày tháng Chạp hằng năm phải nhớ, trong cuộc đời của một con người và trong hành trình của một dân tộc, không thể thiếu lửa và đất. Cũng như trong hành trình văn hóa Việt, không thể thiếu ông đồ rau - người giữ lửa trong mọi nếp nhà Việt xưa nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bếp nhà ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO