Bến Tre: Tăng cường kiểm soát, quản lý khoáng sản 

Bạch Thanh| 17/08/2020 11:21

(TN&MT) - Trong thời gian gần đây, nhu cầu cần cát trong xây dựng ngày càng nhiều nhưng nguồn cung lại hạn chế nên việc khai thác cát trái phép trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra phức tạp. 

Bến Tre còn tồn tại hàng trăm cửa hàng kinh doanh, mua bán vật liệu xây dựng và hầm chứa cát hình thành tự phát

Còn hàng chục “điểm nóng”

Thạnh Phú là huyện có địa hình nằm dọc theo bờ biển đông và tiếp giáp với hai tuyến sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Do đặc thù địa hình của huyện, nên trong thời gian qua phát sinh nhiều điểm khai thác cát trái phép, trong đó việc khai thác cát tại các vùng cửa sông, ven biển có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.

Trong những tháng đầu năm 2020, UBND huyện Thạnh Phú tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với UBND 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải tổ chức làm việc với 11/14 chủ phương tiện bơm hút cát tự chế và yêu cầu cam kết không thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép. 

Đồng thời, theo dõi 47 chủ phương tiện và người làm thuê cho chủ phương tiện bơm hút cát đã ký cam kết không vi phạm. Đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản huyện cũng đã tổ chức 24 lượt tuần tra, kiểm tra lập biên bản đề xuất xử phạt 4 trường hợp vi phạm, giảm 33 vụ so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, kể cả các nhánh sông nhỏ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xác định hàng chục “điểm nóng” trên các địa bàn như: TP Bến Tre, Châu Thành, Chợ Lách và Giồng Trôm. Số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2020 là 126 vụ/257 đối tượng, với số tiền xử phạt trên 3,2 tỷ đồng. Đã củng cố hồ sơ xử lý hình sự 2 đối tượng khai thác cát trái phép.

Phó giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Lê Văn Đáo cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh không có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và không có giấy phép được gia hạn, cấp mới. 

Tỉnh Bến Tre hiện chưa có quy hoạch, cấp phép cho các bến thủy nội địa để tập kết, kinh doanh khoáng sản (cát san lấp). Tuy nhiên qua rà soát, còn tồn tại khoảng 238 cửa hàng kinh doanh, mua bán vật liệu xây dựng và hầm chứa cát hình thành tự phát, khoảng 775 phương tiện gắn thiết bị bơm hút cát không có đăng ký, đăng kiểm hoặc tự ý hoán cải sai quy định.

Theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do tình hình dịch bệnh Covid-19, hiện nay, nhiều công trình, dự án xây dựng ở các tỉnh, thành được khởi động và đầy nhanh tiến độ thi công, dẫn đến gia tăng nhu cầu về sử dụng cát san lấp. Dự đoán tình hình khai thác cát ở các tuyến sông, rạch, nhất là khu vực cửa sông, ven biển sẽ trở nên phổ biến và phức tạp hơn nếu không được kiểm soát.

Tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác cát, nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác 

UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành văn bản tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác, vận chuyển cát khu vực cửa sông, ven biển theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Để thực hiện nội dung này, UBND tỉnh Bến Tre giao cho Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng kiểm tra trên tất cả các tuyến sông, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh giáp ranh và TP.HCM chia sẻ thông tin, làm tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động khai thác, vận chuyển các trái phép ở khu vực biên giới biển;…

Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản; đồng thời quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật.

Theo điều chỉnh, bổ sung việc khoanh định các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã điều tra, khảo sát địa chất trên 4 tuyến sông: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền đã phát hiện, khoanh vẽ được 44 khu vực và 29 khu mỏ đã khai thác, thăm dò với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo cấp 333 lên đến 239.860.732 m3, tổng diện tích trên 7.837 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng đã khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản, gồm 16 vùng; trong đó, sông Tiền 5 vùng, sông Hàm Luông 4 vùng, sông Cổ Chiên 5 vùng, sông Ba Lai 2 vùng và khu vực sông Tiền xã An Khánh – thị trấn Tân Thạch, huyện Châu Thành thuộc hành lang bảo vệ cầu và phà Rạch Miễu.

Tỉnh Bến Tre tập trung các giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Để quản lý tốt hoạt động khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh Bến Tre giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về quản lý khoáng sản.

Đồng thời, chủ trì thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản, bảo vệ môi trường, đất đai có liên quan đến hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền; tổ chức triển khai công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo phương án đã được phê duyệt.

Tại Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh Bến Tre còn quy định hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Trong đó, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. 

Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

Đặc biệt, nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép thành điểm nóng tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân, thì chủ tịch UBND cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Tăng cường kiểm soát, quản lý khoáng sản 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO