Biến đổi khí hậu

Bến Tre: Tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn, mặn

Bạch Thanh 20/03/2024 - 10:44

(TN&MT) - Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Bến Tre vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn.

anh-1.jpg
Bến Tre chú trọng đến nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân

Theo quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh không đồng đều, có giảm theo triều và đang ở mức cao. Một số trạm ở khu vực trung lưu của sông Hàm Luông và cửa Đại tăng chậm trở lại từ ngày 19/3. Nhận định xâm nhập mặn sẽ xâm nhập sâu trở lại vào đợt triều cường tới. Dự báo đợt xâm nhập mặn cuối tháng 3 (từ ngày 23 - 31/3) ở mức tương đương đợt vừa qua (từ ngày 08 - 13/3).

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Bến Tre đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiểm tra kỹ lại các xã, các vùng người dân đang sử dụng nước bị nhiễm mặn để kịp thời xử lý giúp người dân có nước ngọt để sinh hoạt. Trong đó, chủ trì kết nối các nhà máy cấp nước trên địa bàn, để nhà máy có nước ngọt chia sẽ cho nhà máy có nguồn nước bị nhiễm mặn, đảm bảo có nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Song song đó, tận dụng hết các máy lọc RO có trên địa bàn và phát động khơi các giếng nước ngọt hiện có để phục vụ cho dân. Nơi nào nhà máy nước bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt thì nhà máy phải chở nước ngọt về cung cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Trong điều kiện khó khăn cung cấp nước vượt ngưỡng độ mặn cho phép thì vận động các doanh nghiệp, các nhà máy nước chia sẻ giảm giá nước cho dân.

Còn với các đơn vị cấp nước, Sở NN&PTNT Bến Tre đề nghị: Các nhà máy nguồn nước có độ mặn cho phép thì tăng công suất cấp nước để hỗ trợ cho các nhà máy có nguồn nước bị nhiễm mặn. Đối với các nhà máy có hệ thống lọc RO thì tăng cường hoạt động và phân phối cấp nước đến người dân kịp thời. Các nhà máy cấp nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, chủ động phối hợp với các nhà máy có nước ngọt trong ngưỡng cho phép để trao đổi, kết nối sao cho người dân có đủ nước ngọt sinh hoạt.

Đồng thời, với những nhà máy nước nào bị nhiễm mặn và không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt thì phải chở nước ngọt về cung cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Bến Tre cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà máy có nước bị nhiễm mặn nên chia sẻ giảm giá nước cho dân.

anh-2.jpg
Bến Tre tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn

Thông tin từ Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m³/giờ, khoảng 250.000 m³/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Thời gian qua, hầu hết các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh có độ mặn nước cấp lớn hơn 0,5‰ - vượt ngưỡng độ mặn cho phép theo quy chuẩn địa phương.

Ở thời điểm này, các đơn vị cấp nước sinh hoạt tại Bến Tre đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước như: đắp đập tạm ngăn mặn tại các khu vực lấy nước, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt, độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt, độ mặn thấp theo khung giờ,...

Theo ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, do hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín nên xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước dẫn đến độ mặn sau xử lý tăng cao theo diễn biến xâm nhập mặn; đồng thời phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trãi tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước, lọc mặn.

Do đó, để ứng phó hạn mặn, các ngành, các cấp địa phương Bến Tre thời gian qua thực hiện công tác tuyên truyền, phát động người dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trãi bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và các biện pháp khác đảm bảo có nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Cùng với đó, các cấp chính quyền và đoàn thể trong tỉnh đã ban hành kế hoạch, phương án ứng phó cũng như tổ chức chương trình phát động và tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn. Riêng với ngành Nông nghiệp Bến Tre thì tập trung theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đồng thời bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm nước mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO