BĐKH ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi trên đồng cỏ Himalaya

08/09/2018 10:54

(TN&MT) - Với sự gia tăng nhiệt độ mạnh nhất ở Pakistan và lượng tuyết rơi giảm, chỉ còn rất ít cỏ ở Deosai để duy trì chăn nuôi.

Chỉ còn rất ít cỏ và một số động vật ăn cỏ gần Vườn quốc gia Deosai ở Pakistan do biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến tăng trưởng thức ăn gia súc và buộc người chăn nuôi phải bán hầu hết vật nuôi của họ. Ảnh: Amar Guriro
Chỉ còn rất ít cỏ và một số động vật ăn cỏ gần Vườn quốc gia Deosai ở Pakistan do biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến tăng trưởng thức ăn gia súc và buộc người chăn nuôi phải bán hầu hết vật nuôi của họ. Ảnh: Amar Guriro

Ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển, Chillum Sherkoli là một ngôi làng đẹp như tranh vẽ nép mình trong dãy Himalaya. Tuy nhiên, BĐKH gần như đã hủy hoại nguồn sinh kế chăn nuôi hằng năm của địa phương.

 

Tọa lạc tại quận Astore, ngôi làng Chillum Sherkoli có khoảng 800 người - nơi Hussain sinh ra và đã sống cả đời ở đó - là khu định cư gần nhất với Vườn Quốc gia Deosai (DNP), một đồng bằng núi cao nổi tiếng ở Gilgit-Baltistan.

 

Trong và xung quanh Deosai, lượng tuyết rơi hàng năm đang giảm nhưng mùa đông đang trở nên dài hơn. Mùa xuân và mùa hè lại ngắn hơn. Kết quả là đồng cỏ không còn cỏ tươi tốt mà cư dân của Chillum Sherkoli sử dụng để chăn thả gia súc của họ, gồm cừu, dê và bò Tây Tạng.

 

Theo Cục khí tượng Pakistan, ở rìa phía Tây cao nguyên Tây Tạng, Gilgit-Baltistan có lượng mưa trung bình hàng năm chỉ khoảng 200 mm, phần lớn là ở dạng tuyết. Hiện nay, trong khi lượng tuyết rơi xuống thấp hơn, hạn hán đã trở thành thảm họa thường xuyên.

 

Với nguồn sinh kế truyền thống của họ dưới sự đe dọa và không có triển vọng về nghề nghiệp khác, ngày càng có nhiều cư dân của Chillum Sherkoli - bao gồm nhiều bạn thời thơ ấu của Hussain - di cư đến nhiều thành phố khác nhau ở Pakistan. Hussain vẫn muốn gắn bó với nơi “chôn rau cắt rốn” của mình, do đó, ông quản lý một cửa hàng và một khách sạn nhỏ để phục vụ du khách đến Vườn Quốc gia Deosai.

Manzoor Hussain, 42 tuổi, từ một gia đình chăn nuôi đã bán tất cả vật nuôi của mình do thiếu thức ăn gia súc, và hiện ông đanh quản lý một cửa hàng và một khách sạn nhỏ ở Chillum Sherkoli, tại lối vào Vườn Quốc gia Deosai. Ảnh: Amar Guriro
Manzoor Hussain, 42 tuổi, từ một gia đình chăn nuôi đã bán tất cả vật nuôi của mình do thiếu thức ăn gia súc, và hiện ông đanh quản lý một cửa hàng và một khách sạn nhỏ ở Chillum Sherkoli, tại lối vào Vườn Quốc gia Deosai. Ảnh: Amar Guriro

Cao hơn 400 mét so với ngôi làng Chillum Sherkoli, Deosai còn được gọi là Ghabarsa theo tiếng địa phương Balti. Nó có nghĩa là đất chỉ có thể ôn hòa vào mùa hè. Vườn quốc gia này vẫn đóng cửa từ tháng 11 đến tháng 7.

 

Theo Cục Động vật hoang dã Gilgit-Baltistan, Deosai là môi trường sống tự nhiên của một số động vật có vú trên núi cao như cừu Himalaya, Ladakh urial (cừu hoang dã), báo tuyết, cáo đỏ, mai vàng và gấu nâu Himalaya nguy cấp và quý hiếm.

Gấu nâu Himalaya đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Vườn Quốc gia Deosai. Ảnh: quản lý DNP
Gấu nâu Himalaya đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Vườn Quốc gia Deosai. Ảnh: quản lý DNP

Năm 1993, một phần lớn của Deosai đã được công bố là công viên quốc gia bảo vệ gấu nâu. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Pakistan cho biết chỉ có 19 con gấu nâu trong khu vực vào năm 1991, nhưng hiện con số này đã tăng lên 60. Tuy nhiên, IUCN vẫn liệt kê gấu nâu Himalaya là loài rất nguy cấp.

 

Khi đồng cỏ được tuyên bố là một khu bảo tồn, việc chăn thả đã bị cấm trong khu vực lõi. Tuy nhiên, vùng đệm là đủ lớn cho cư dân của Chillum Sherkoli và các làng lân cận, miễn là sự phát triển của cỏ không bị ảnh hưởng bởi BĐKH. "Vấn đề lúc này là không có cỏ hoặc có rất ít cỏ", Hussain nói với thethirdpole.net.

 

“Khoảng 30 năm trước, tuyết rơi nhiều vào mùa đông. Ngay cả trong làng của chúng tôi, tuyết rơi dày từ 2-3 mét. Nhưng giờ đây hiếm khi có đợt tuyết rơi dày hơn 1 mét trong làng, ngay cả vào những ngày mùa đông. Nếu tuyết nhiều hơn thì mực nước sông và suối tăng theo. Khi đó, cỏ không chỉ đủ cho mùa hè mà dân làng cũng sẽ cắt và để dành đến mùa đông” – Hussain nói thêm.

 

Vật nuôi thường sinh trưởng và phát triển tốt ở đồng cỏ. "Trước đây, cha tôi đã nuôi hơn 1.000 loài động vật nhỏ như cừu và dê và khoảng một trăm động vật lớn như bò và ngựa. Nhưng ngày nay tôi không thể nuôi được số lượng lớn chúng nữa” - Hussain nhớ lại.

 

“Trước đây, cỏ ở Deosai cao từ 2-3 mét, và thường những người đi qua đó sẽ không thể nhìn thấy gì ngoài cỏ. Thế nhưng, ngày nay, cỏ không chỉ thưa thớt mà nó không cao quá 0,3 mét” - Hussain cho biết.

Ngay cả trong mùa hè, cỏ mọc thưa thớt trong đồng cỏ Himalaya Deosai và có tuyết rơi trên mặt đất. Ảnh: Amar Guriro
Ngay cả trong mùa hè, cỏ mọc thưa thớt trong đồng cỏ Himalaya Deosai và có tuyết rơi trên mặt đất. Ảnh: Amar Guriro

Ahsan Ali Danish, lãnh tụ Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo địa phương cũng nhớ lại thời gian hai thập kỷ trước đây khi “một tấm chăn tuyết” phủ lên những ngọn núi, đồng bằng và làng mạc. Từ tháng 11 đến giữa tháng 2, tuyết rơi rất nhiều đến nỗi các ngôi làng bị chia cắt hoàn toàn với nơi còn lại trên thế giới. Sau đó, vào mùa xuân, khi hoa nở rộ vào tháng 4, dòng sông bắt đầu chảy và đồng bằng được bao phủ trong lớp cỏ xanh tươi.

 

"Bây giờ không có mùa xuân, vì mùa đông đã dài hơn. Tuyết không rơi nhiều như trước nên không có cỏ. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể nuôi nhiều gia súc hơn” – Danish cho biết.

Với một mùa đông kéo dài, Vườn quốc gia Deosai đã nhận được tuyết rơi vào tháng 7/2018. Ảnh: Amar Guriro
Với một mùa đông kéo dài, Vườn quốc gia Deosai đã nhận được tuyết rơi vào tháng 7/2018. Ảnh: Amar Guriro

Hầu hết các gia đình trong làng của Danish có 800 đến 1.000 con vật nuôi, nhưng bây giờ con số này đã giảm xuống còn 20-30. Sự sụt giảm này đã buộc người dân phải thay đổi thói quen ăn uống. Trước đó, mỗi gia đình sẽ giết mổ một con vật nuôi vào mùa thu và muối thịt để ăn trong suốt mùa đông. Nhưng giờ đây không có đủ vật nuôi nên người dân phải mua thịt từ thành phố gần nhất hoặc chấp nhận không có thịt.

Cư dân xung quanh Deosai cần thu gom củi do mùa đông kéo dài, gây áp lực đến sự che phủ rừng. Ảnh: Amar Guriro
Cư dân xung quanh Deosai cần thu gom củi do mùa đông kéo dài, gây áp lực đến sự che phủ rừng. Ảnh: Amar Guriro

Aijaz Ahmed, giáo viên 38 tuổi ở một trường học địa phương nhớ lại thời niên thiếu của mình khi ông cùng với bố đi câu cá ở các con sông và suối khác nhau ở Deosai, như Bhara Pani và Kala Pani. "Chúng tôi câu cá hồi Himalaya, sau đó sẽ tích trữ để tiêu thụ vào mùa đông. Nhưng bây giờ do ít tuyết rơi hơn nên nước ít hơn và không có cá trong các con sông này” - Aijaz Ahmed chia sẻ.
 

Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng hơn

 

Phụ nữ là đối tượng đầu tiên chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi. Salima Begum, bà mẹ 2 con trú tại một ngôi làng nhỏ gần Chillum cho rằng trước đây, khi có rất nhiều cỏ cho vật nuôi ăn, cư dân tiêu thụ sữa và bơ tinh (bơ khan) được sản xuất tại nhà. “Bây giờ chúng tôi phải mua sữa và loại bơ này mặc dù biết chúng không nguyên chất và ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái chúng tôi” - Salima Begum nói.

 

Rừng cũng biến mất nên giờ đây phụ nữ phải đi xa hơn nữa để kiếm củi.

 

Các loại thảo mộc không còn nữa

 

Theo truyền miệng qua nhiều thế hệ, Deosai đã từng nổi tiếng là quê hương của một số cây thuốc mà người dân địa phương thường hái vào những thời điểm khác nhau trong năm. Nhà bảo tồn rừng Ghulam Tahir, Gilgit Baltistan cho biết 150 cây thuốc đã được xác định trong Vườn quốc gia Deosai. Nhiều cư dân địa phương biết cách để làm bột nhão, nước ép hoặc bột từ các bộ phận của cây có liên quan, và họ thường bán chúng ở Astore, Gilgit hoặc các thành phố khác.

 

Có nhiều loại hành tây hoang dã rất tốt cho việc điều trị hen suyễn, các vấn đề về hô hấp, bệnh dạ dày, vàng da, cảm lạnh và ho; Ghang (Heracleum candicans) rất hữu ích trong điều trị bệnh vẩy nến; cây ngải (có tên Bursay) loại bỏ giun đường ruột; một loạt các hoa anh thảo (được gọi là Daoo) tốt cho chữa lành vết thương; Shaphus (Bergenia ciliata) có thể điều trị sỏi thận và tiêu chảy.

 

Tất cả những điều này đã từng được tìm thấy ở Deosai tương đối dễ dàng, và các cây thuốc này đã từng là một nguồn thu nhập bổ sung đáng kể cho người dân xung quanh đồng cỏ. Nhưng bây giờ hầu như không còn cây thuốc nào nữa.

 

“Thời gian trước, cây thuốc và thảo dược là nguồn sinh kế chính cho nhiều người dân địa phương. Nhưng bây giờ các loại thảo mộc hoang dã đang biến mất, và không còn ai có thể kiếm sống hoàn toàn nhờ vào những cây thuốc này nữa” - Hussain nhấn mạnh.

 

Không có nghiên cứu

 

Khadim Hussain, Trợ lý Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Gilgit tỏ ra lo lắng vì cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học chi tiết nào về tác động của BĐKH ở Deosai. Ông cũng lo ngại khi số lượng lớn du khách cũng là yếu tố gây tác động đến vấn đề BĐKH.

Có rất nhiều du khách đến Vườn quốc gia Deosai từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Ảnh: Amar Guriro
Có rất nhiều du khách đến Vườn quốc gia Deosai từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Ảnh: Amar Guriro

"Kể từ khi Deosai trở thành một điểm du lịch, mỗi tháng có khoảng 5.000 đến 6.000 xe đến vườn quốc gia này. Khí thải của các phương tiện trên bị mắc kẹt trong không khí núi lạnh. Ngoài ra, sự tàn phá rừng lớn cũng xảy ra ở các khu vực xung quanh. Phát thải từ các ngành công nghiệp lớn xuyên biên giới ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến khu vực này” - Khadim Hussain nói.

 

Ghulam Rasul, Cục trưởng Cục Khí tượng Pakistan cho biết: “Vùng Gilgit-Baltistan có vấn đề về BĐKH, có nghĩa là nếu thời tiết tốt trong năm trước thì năm sau sẽ hoàn toàn khác biệt”.

 

Trong ba thập kỷ qua, Cục Khí tượng Pakistan đã thu thập dữ liệu nhiệt độ từ chín trạm thời tiết tự động ở Gilgit-Baltistan. Trên cơ sở đó, Rasul cho biết sự gia tăng nhiệt độ trung bình ở Gilgit-Baltistan cao hơn bất kỳ khu vực nào khác ở Pakistan. "Nhiệt độ trung bình hàng năm ở khu vực Gilgit Baltistan đã tăng 0,9 độ C trong 5 thập kỷ qua, trong khi nhiệt độ trung bình ở khu vực còn lại của Pakistan đã được ghi nhận ở mức 0,5 độ C trong cùng thời gian" - Rasul nói.

Một con macmôt vàng Himalaya (còn gọi là macmôt đuôi dài) gần lối vào cao nguyên Deosai. Ảnh: Amar Guriro
Một con macmôt vàng Himalaya (còn gọi là macmôt đuôi dài) gần lối vào cao nguyên Deosai. Ảnh: Amar Guriro

"Sự thay đổi trong mô hình thời tiết đã ảnh hưởng xấu đến mô hình tuyết rơi. Trước đây, tuyết rơi nhiều vào tháng 1 và tháng 2, nhưng ngày nay mô hình tuyết rơi đã hoàn toàn thay đổi, thay vì rơi vào mùa đông, tuyết rơi vào mùa xuân. Điều đó đã ảnh hưởng đến mực nước suối và sông, và kéo theo sự phát triển của cỏ” – Rasul nhấn mạnh.

 

Rasul cho biết sự thay đổi này trong mô hình tuyết rơi cũng ảnh hưởng đến sông băng. Cụ thể, vào mùa hè, các sông băng tan chảy do nhiệt. Trước đây, tuyết rơi vào tháng 12 và tháng 1 thường bổ sung lượng nước vào sông băng. Nhưng bây giờ tuyết rơi khi nhiệt độ tương đối cao. Vì vậy, tuyết rơi tan chảy đến thẳng đến sông. Kết quả là, sự tan rã của các sông băng trở nên rất nhanh.

 

Sự thay đổi cũng ảnh hưởng đến các nông dân khác ở Gilgit-Baltistan. Trong một chuyến thăm gần đây, nhiều người nông dân đã kể với Rasul rằng hồi tháng 3 năm nay trời rất nóng, và cây anh đào nở hoa trước thời điểm thông thường. Rồi trời lại trở nên lạnh giá vào tháng 4, và hầu như tất cả cây ăn quả chết sau khi ra hoa. Điều này cũng xảy ra với cỏ ở Deosai.

 

"Người dân địa phương luôn mong rằng họ sẽ có cỏ vào tháng 4 nhưng do mùa biến đổi, họ không tìm thấy cỏ nữa. Các đồng cỏ đang di chuyển cao hơn, vì vậy các cộng đồng phải đi bộ từ thung lũng đến đỉnh núi để tìm cỏ. Điều này rất khó khăn và cộng đồng địa phương không còn tìm thấy nguồn sinh kế, đặc biệt là ở Deosai. Đối với họ, khi không có cỏ là không có thức ăn. Vì vậy, cộng đồng không có lựa chọn nào khác ngoài việc di cư đến các thành phố” - Rasul nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BĐKH ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi trên đồng cỏ Himalaya
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO