Báu vật trên Cù lao Chàm

06/02/2016 00:00

(TN&MT) - Giữa biển khơi, bốn bề nước mặn, một giếng nước ngọt đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, không chỉ cung cấp cho cư dân trên Cù Lao Chàm (Quảng Nam) mà còn mang đến sự sống cho nhiều tàu thuyền qua đây.  

Nằm cách Cửa Đại 15 km, thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An (Quảng Nam), Cù Lao Chàm là khu du lịch nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp hoang sơ, đặc biệt là khi được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới" năm 2009. Tuy nhiên, ấn tượng để lại trong lòng du khách không phải là biển xanh cát trắng hay độ đa dạng sinh học vào bậc nhất mà là một giếng nước ngọt đã tồn tại hàng trăm năm trên đảo cùng với biết bao huyền thoại.

1- Rời bến Cửa Đại, chúng tôi ra Cù Lao Chàm bằng tàu cao tốc. Đối với những người thích cảm giác mạnh, đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Tàu rẽ sóng trên biển xanh ngắt, thỉnh thoảng lại chồm lên áp đảo những con sóng lớn, khiến chúng tôi vừa hồi hộp vừa ngây ngất trước sóng gió biển khơi. Anh lái tàu trẻ tuổi mà chúng tôi gọi là “Mít tơ Đen” thỉnh thoảng lại “đãi” thêm một cú lượn hình chữ S khiến những vệt nước biển tung lên trắng xóa.

Tàu cập cảng Bãi Làng, sau gần 20 phút đồng hồ. Một vài người trong đoàn say sóng ngất ngư, có lẽ do hậu quả những cú lượn sóng nghịch ngợm của Mít tơ Đen. Biết lỗi của mình, Mít tơ Đen dẫn chúng tôi đi men theo con đường nhỏ quanh co dẫn vào làng chài, đến một cái giếng, Mít tơ Đen múc 1 gầu nước mát lạnh và bảo chúng tôi uống, kỳ lạ thay, nước uống tới đâu tỉnh tới đó, cơn say sóng khó chịu dường như tan biến, thay vào đó là cảm giác sảng khoái cùng với vị ngọt mát đọng lại nơi đầu lưỡi.

Nước giếng Xóm Cấm có thể giải được chứng bệnh say sóng

2- Mít tơ Đen lúc này mới bật mí, nước giếng mà chúng tôi vừa uống là từ giếng cổ đã có trên đảo 200 năm nay, đây là một báu vật của mảnh đất Cù Lao Chàm. Do nằm tại ngã 3 con đường của khu dân cư Xóm Cấm nên được gọi là giếng Xóm Cấm. Không như những giếng nước thông thường, nước giếng Xóm Cấm có tác dụng giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù Lao Chàm bị say sóng,  lấy nước giếng nấu với lá rừng của Cù Lao Chàm, khi uống vào sẽ hết và chứng bệnh say sóng sẽ không bao giờ trở lại. Nếu muốn hết say sóng ngay lập tức, chỉ cần uống nước trực tiếp từ giếng, cơn say sóng cũng đỡ đi nhiều phần.

Không chỉ vậy, uống nước giếng còn có thể sinh con theo ý muốn. Nếu muốn sinh con trai, uống 7 ngụm nước, sinh con gái uống 9 ngụm nước. Có thể việc uống nước để sinh con theo ý muốn chỉ là sự trùng hợp nhưng câu chuyện này đã được truyền tụng hàng trăm năm nay, tạo ra sự thú vị cho hòn đảo vốn đã rất kỳ bí, hoang sơ. Cho đến nay, bất cứ ai đến với Cù Lao Chàm đều hi vọng được uống một ngụm nước giếng cổ. Thậm chí, có người còn mang nước về cho bạn bè với hi vọng mang may mắn từ nơi đảo ngọc về thành phố.

3 - Để hiểu thêm về văn hóa, lịch sử nơi đây cũng như về chiếc giếng cổ diệu kỳ, Mít tơ Đen dẫn đoàn vào khu bảo tồn trên đảo. Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết rằng trước đây, Cù Lao Chàm từng là thương cảng Champello của Hội An, nơi tập hợp nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa và Đại Việt. Từ thế kỷ thứ 15 - 18, Cù Lao Chàm đóng vai trò quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế ven Biển Đông và là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước phương Đông và phương Tây trên hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển.

Tại hòn đảo này, từ lâu lắm đã tồn tại một cái giếng nước ngọt, đây chính là nguồn cung cấp nước ngọt không chỉ cho người trong vùng mà còn cho tàu thuyền trong và ngoài nước thường xuyên qua lại nơi này. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng kiểu giếng của người Chăm, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn." Hiện nay, người dân đã cải tạo lại nền giếng và xây thêm gạch vữa ximăng lên thành giếng nên phần nào làm biến đổi cấu trúc của giếng.

Giếng cổ đã có trên đảo 200 năm

4- Ông Kiều Văn Hợp, 91 tuổi, là thế hệ thứ tư sinh sống tại đây cho biết, giếng Xóm Cấm là giếng nước ngọt duy nhất trên đảo, nhiều người trước đây đã từng đào thêm giếng nhưng đều không tìm thấy mạch nước ngọt. Điều kỳ lạ của giếng này là dù giếng nằm cách bờ biển không xa nhưng bao nhiêu năm nay chưa hề bị nhiễm mặn. Ông Hợp kể, nước giếng Xóm Cấm đã nuôi dưỡng ông từ thuở mới lọt lòng, khi sinh ra, cha ông đã múc nước giếng tắm cho ông, những mong con mình khỏe mạnh. Cho đến nay, dù đã có thêm nhiều nguồn nước khác nhưng ông vẫn “chung thủy” với nước giếng. Không phụ lòng người, dù trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng giếng xóm Cấm chưa bao giờ cạn, vẫn lặng lẽ cung cấp nguồn sống cho bao thế hệ dân làng.

Ông Hợp nói, giếng cổ Xóm Cấm không chỉ nuôi sống mà còn là cứu tinh của dân làng mỗi khi có thiên tai địch họa. Những năm 70 của thế kỷ trước, Cù Lao Chàm xảy ra hạn nặng, kéo dài hàng tháng trời, đất trên đảo trắng xóa, nứt nẻ. Con người, cỏ cây đều khô kiệt vì không có nước, chỉ duy nhất giếng Xóm Cấm là không bị cạn. Nhờ có nguồn nước kỳ diệu này mà cả trăm người sống sót trong sự khốc liệt của tự nhiên. Từ đó, giếng trở thành linh hồn của cả làng chài này, tất thảy người dân trong làng khi có lễ lạt, thờ cúng đều ra giếng múc nước đem về làm lễ.

5- Theo anh Nguyễn Hải Nam, hướng dẫn viên khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tổ tiên xưa của người Chăm có bí quyết “dẫn thủy nhập điền”. Dù đó là vùng đất tứ bề cát bỏng, không có con sông dòng suối nào, nhưng nếu ẩn dấu nguồn tài nguyên nước phong phú, thế nào họ cũng tìm ra. Có người nói rằng, chỉ với một chiếc bát sứ, người Chăm có thể phát hiện ra mạch nước ngầm bằng cách úp bát xuống đất, căn cứ vào hơi nước bám trong thành bát mà họ xác định được có mạch nước hay không.

Và người Chăm đã tìm ra mạch nước ngọt giữa biển, chính là giếng Xóm Cấm ngày nay. Mạch nước này luôn đầy quanh năm với nguồn nước ngọt dồi dào. Họ làm thế nào để xếp chồng những viên gạch lên nhau mà không có vữa kết dính, tạo ra các kẽ hở để nước từ trong lòng đất chảy vào giếng, tạo cho mực nước luôn duy trì ở mức cao cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

“Dù có sử dụng phương pháp nào đi nữa, người đào và xây giếng này phải là những nghệ nhân có tay nghề rất cao, sở hữu vốn kinh nghiệm vô cùng phong phú để nước trong và ngọt, đặc biệt không bao giờ khô kiệt”, anh Nam khẳng định.

Giếng Xóm Cấm đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2006. Hiện nay, giếng không những tiếp tục cung cấp nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và cho tàu thuyền đi biển mà còn là nguồn tư liệu quý để du khách cũng như các nhà văn hóa, nghiên cứu hiểu rõ hơn về sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven Biển Đông trước đây.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báu vật trên Cù lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO