Bát Xát - Lào Cai: Trưởng Bản người Mông xoá hủ tục

Bích Hợp | 20/07/2022, 14:48

(TN&MT) - Trước đây, cũng do sống ở nơi xa xôi, cách trở, ít giao tiếp với bên ngoài, nên người Mông còn nhiều tập tục lạc hậu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Nhận thấy cần phải tháo sợi “dây trói” này cho đồng bào dân tộc mình, hơn 10 năm qua, Trưởng Bản Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát( Lào Cai) đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Xóa hủ tục, xây dựng nông thôn mới

Cách đây 5 năm chúng tôi đã có dịp đến thôn Lũng Pô và ấn tượng để lại nhiều nhất là đoạn đường đất dài hàng chục km đi lại quá khó khăn và những ngôi nhà tranh vách đất.

Đến thôn Lũng Pô hôm nay chúng tôi thấy những đổi thay rõ nét với đường giao thông sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Vào thăm hộ dân nào cũng thấy đủ ti vi, xe máy, thóc ngô xếp đầy thang gác ăn cả năm không hết. Trưởng Bản Ma Seo Lằng bảo không chỉ cuộc sống người Mông ấm no, đủ đầy hơn mà nhiều hủ tục cũng đã được xóa bỏ để xây dựng nếp sống văn minh. “Trước đây, cứ khi trong thôn có người đau ốm, nhất là trẻ em, thì một số hộ dân đều bảo do ma bắt hồn, rồi nhờ người cúng bái tốn kém. Thấy vậy tôi đứng ra giải thích cho bà con hiểu không có ma, và ốm đau là phải đi viện để bác sỹ chữa như thế mới khỏi. Bây giờ bà con nghe theo cứ có bệnh là ra Trạm xá để được chữa trị chứ không cúng bái nữa, trưởng bản Ma Seo Lằng chia sẻ.

anh-1-5.jpg
Ông Ma Seo Lằng tới các hộ gia đình vận động xoá bỏ hủ tục, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Lằng, mấy năm gần đây, người Mông Lũng Pô đã bỏ được một số hủ tục trong đời sống, đặc biệt là một số hủ tục tạo thành gánh nặng. Những năm trước, khi có đám tang, thông thường, đồng bào để người chết trong nhà 3-5 ngày, thậm chí 7 ngày mới chôn cất. Trong những ngày đó, họ mổ trâu, bò, lợn, gà ăn uống linh đình rồi cúng bái tốn kém... ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe và thời gian của gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, việc thả rông gia súc gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khỏe, khó khăn cho công tác xây dựng thôn bản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao huyện Bát Xát, gia đình ông Ma Seo Lằng có nhiều đóng góp bằng những việc làm thiết thực. Nhằm hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hộ ông Ma Seo Lằng là hộ đầu tiên tự nguyện, đi đầu trong việc hiến đất làm đường tại thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung. Ông đã thuyết phục gia đình đồng ý để ông được hiến gần 2650m2 đất thực hiện con đường nối từ thôn Lũng Pô đến trung tâm xã. Bên cạnh đó, ông còn vận động các hộ lân cận cùng tham gia, hưởng ứng, tự nguyện tham gia hiến đất, di dời hàng rào, cây cối, vật kiến trúc của gia đình để hỗ trợ tuyến đường nông thôn. Nhờ có sự đóng góp của gia đình ông và một số hộ dân dọc tuyến này, con đường nối từ thôn Lũ Pô đến trung tâm xã A Mú Sung đang được trải nhựa, tương lai giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân thuận tiện rất nhiều, làm cho người dân phấn khởi khi thấy được lợi ích từ chương trình xây dựng NTM.

Người hòa giải có uy tín của bản Mông

Trước khi gặp Trưởng Bả Ma Seo Lằng, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với Ông Sùng A Khứ, Phó Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung và anh Đạo cán bộ của xã A Mú Sung Cả anh Khứ và anh Đạo đều thể hiện sự trân trọng và biết ơn những đóng góp của gia đình ông Ma seo Lằng cho cộng đồng các dân tộc nơi đây. Anh Đạo chia sẻ, anh Lằng rất nhiệt tình với các công việc của thôn, của xã với vai trò là người có uy tín hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng người Mông. Có những vụ việc nếu không có tiếng nói của Trưởng bản Ma Seo Lằng thì rất khó giải quyết ổn thỏa.

anh-2-4.jpg
Ông Ma Seo Lằng cùng người dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm

Nói rồi Đạo kể lại câu chuyện cách đây 3 năm tại thôn Lũng Pô xảy ra sự việc gia đình bà Giàng Thị G đổ cho chị Lý Seo M ăn trộm gà và hai gia đình xảy ra chuyện cãi nhau không giải quyết được. Vụ việc được đưa ra thôn, ra xã và kết quả điều tra là bà G đã vu oan cho chị M. Theo quy ước của thôn, bà G nặng bao nhiêu kg thì mỗi kg phải nộp cho thôn 130.000 đồng. Nhưng bà G nặng hơn 60kg, số tiền nộp phạt 7,8 triệu đồng, nên nhất quyết không chấp hành quy định. Để giải quyết dứt điểm vụ việc khi họp tổ hòa giải của thôn ông Lằng đã phân tích cho bà G hiểu và phải nộp đủ số tiền vào quỹ thôn. Đây cũng là bài học để bà G và những người khác không vi phạm nữa.

Thêm một sự việc nữa xảy ra vào tháng 3/2021 khi gia đình anh Giàng A T và hàng xóm mâu thuẫn với nhau. Lý do là anh T bắt quả tang vợ mình gian díu với chồng nhà hàng xóm. Hai gia đình không giải quyết được vụ việc nên tổ hòa giải của thôn phải vào cuộc. Trưởng Bản Ma seo Lằng đã giải thích để hai gia đình hiểu điều sai - đúng và thực hiện theo quy ước của thôn mỗi bên nộp phạt 5 triệu đồng mua thức ăn mời cơm cả thôn tại nhà văn hóa. Sau vụ việc, hai gia đình hòa giải và vợ chồng anh T vẫn sống êm thuận với nhau.

Đó chỉ là hai ví dụ trong nhiều vụ việc được Trưởng bản Ma Seo Lằng tham gia hòa giải cho thôn, cho xã. Khi hỏi Trưởng bản Ma Seo Lằng về những câu chuyện này, ông Lằng cười nói: Có những sự việc chưa nghiêm trọng đến mức sử dụng quy định của pháp luật thì dùng những quy ước, hương ước của thôn để giải quyết. Điều quan trọng là cả thôn cùng đồng thuận và mọi người hiểu được điều sai để không tái phạm nữa. Mình là đảng viên, là người có uy tín được bà con tin tưởng thì phải cố gắng để tuyên truyền cho Nhân dân các dân tộc đoàn kết cùng nhau làm ăn để cuộc sống thêm no ấm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO