Bất chấp dịch bệnh, bất động sản Việt vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài

Thục Vy| 07/09/2020 21:05

(TN&MT) - Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), nhu cầu đầu tư vào các dự án nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài vẫn đang rất lớn, đặc biệt là từ những nước là đối tác FDI quan trọng của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Ảnh minh họa

Sau gần nửa năm “ngủ đông” vì dịch Covid-19, thị trường BĐS dần hồi phục với những tín hiệu lạc quan từ nguồn cung dự án và sản phẩm giao dịch, đặc biệt là loại hình BĐS công nghiệp. Nhưng làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 khiến những dự báo của thị trường vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn cũng trở nên khó đoán. Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà phân tích cũng nhận định, với kinh nghiệm ứng phó đợt 1, Việt Nam được trang bị tốt kiến thức cần thiết để kiểm soát dịch giúp người dân giữ vững tâm lý tốt hơn trước đợt dịch lần này.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, xét về tổng thể, thị trường BĐS Việt Nam tuy chịu tác động của dịch bệnh nhưng chỉ có một số ngành nghề và phân khúc như BĐS 5 sao, BĐS nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nhất định do phụ thuộc vào nguồn khách du lịch nước ngoài. Trong khi đó, thị trường căn hộ được đánh giá có khả năng hồi phục nhanh, nhất là các dự án hạng B và C hướng tới đối tượng khách hàng có nhu cầu thực với ngân sách vừa phải tại các thành phố lớn. Với chính sách hỗ trợ tài chính cấp bách và lâu dài từ Chính phủ, các chủ đầu tư cũng phần nào giảm thiểu áp lực tài chính, từ đó ổn định lại hoạt động kinh doanh giúp ổn định thị trường. Ở một khía cạnh khác, giai đoạn thị trường BĐS đang có phần yên ắng như hiện nay được xem là cơ hội tốt cho nhà đầu tư mong muốn sở hữu các BĐS với mức giá hợp lý.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 2/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý 1/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Cụ thể, quý 2/2020 có 29.674 giao dịch BĐS thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý 1/2020), tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý 1/2020).

Tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý 1/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý 1/2020. Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý 1/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý 1/2020…

Số liệu của đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cũng cho thấy, TP.HCM có thể chiếm tới 70% tổng số người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Cá biệt có một số dự án tỷ lệ khách nước ngoài đạt ngưỡng trần 30% theo quy định của Luật Nhà ở. Đáng chú ý, những dự án thu hút khách ngoại đều ở phân khúc cao cấp và siêu sang, có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm với mức giá đắt đỏ. Sức hấp dẫn của BĐS Việt Nam được CBRE giải thích bởi giá bán còn thấp, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao với sự tham gia của các nhà phát triển uy tín.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho hay, nhiều nhà đầu tư châu Á vẫn tìm hiểu dự án BĐS có pháp lý sạch, quỹ đất sạch, trong đó quan sát và tìm kiếm các dự án có dấu hiệu giảm giá. Theo vị chuyên gia này, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là những doanh nghiệp quen thuộc với thị trường BĐS tin rằng dịch bệnh chỉ là đợt điều chỉnh tạm thời. Họ vẫn tin tưởng vào chính sách và kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng so với các thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á.

Bà Khanh nhận định, dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại vẫn đang sẵn sàng để đổ vào thị trường BĐS Việt Nam. Đứng về tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt ở khu vực châu Á vẫn quan tâm đến các dự án có pháp lý sạch ở thị trường Việt Nam. “Hiện nay, nhà đầu tư tự tin hơn vào thị trường BĐS Việt Nam, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng bắt tay với các nhà phát triển để thực hiện dự án. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản nhất định về vấn đề pháp lý dự án. Nhiều Ngân hàng vẫn có nợ xấu được thế chấp bằng BĐS nhưng khi xử lý lại gặp khó khăn về pháp lý. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của vốn FDI vào Việt Nam”, bà Khanh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp dịch bệnh, bất động sản Việt vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO