Bảo vệ vùng biển Thừa Thiên Huế - Bài 1: Ngư dân vươn khơi, giữ gìn chủ quyền

Văn Dinh | 25/08/2021, 12:57

(TN&MT) - Lênh đênh trên biển dài ngày, vật lộn với sóng dữ để mưu sinh nhưng ngư dân tại Thừa Thiên Huế vẫn không quên góp phần giữ gìn chủ quyền an ninh biển, đảo.

Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nói chung, biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó ngư dân đóng vai trò rất quan trọng.

Ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro... nhưng với họ, vươn khơi bám biển đâu chỉ là hành trình để kiếm sống, đó còn là hành trình của ý chí kiên cường, khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa...

Ngư dân Thừa Thiên Huế trở về sau những ngày dài bám biển

Mỗi thuyền là một “cột mốc sống”

Mặt trời xuống biển, xa xa dưới ánh hoàng hôn là chiếc thuyền 705CV với lá cờ Tổ quốc bay phấp phới của ngư dân Nguyễn Thanh Đô, chủ tàu số hiệu TTH - 91456 - TS tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang). Sau chuyến đi biển kéo dài hơn 2 tuần, ông Đô cùng các bạn thuyền cập bờ với khuôn mặt hớn hở bởi “bội thu” tôm, cá. Ra khơi từ khi còn là một thanh niên mười chín, đôi mươi, đến nay ngót nghét gần 30 năm ông Đô gắn bó với biển. Chính vì thế đối với ông, biển “là nhà”, trở thành quê hương thứ hai và trở nên gần gũi, thiêng liêng. Mỗi chuyến ra khơi không còn là hành trình đánh bắt hải sản, kiếm kế sinh nhai... mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.

Theo ông Đô, đã đi biển thì ngư dân phải nắm vững quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Luật Biển 1982 và các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để đánh bắt, khai thác đúng ngư trường quy định của nước ta trên khu vực biển Đông.

“Mỗi đợt ra khơi, những thông tin về vị trí tọa độ, phương án đấu tranh trên biển đều được bà con ngư dân chúng tôi phối hợp thực hiện nhằm bảo vệ ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt. Chúng tôi mua sắm thêm bộ đàm và radio mới để kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra. Khi tổ chức khai thác trên biển, các phương tiện thường giữ khoảng cách gần nhau hơn chứ không xa nhau như trước nữa. Nhìn lá cờ Tổ quốc trên thuyền, ai ai cũng một lòng cố gắng vừa đánh bắt vừa sẵn sàng trước mọi thế lực...”, ông Đô thổ lộ.

Những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới

Ngư dân Trần Đinh (phường Thuận An, TP. Huế) cho hay, hầu như năm nào phía Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng các ngư dân vẫn kiên trì, quyết tâm cho tàu cá hoạt động đánh bắt ở ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa.

“Mỗi lần tôi và các ngư dân cho tàu nổ máy ra khơi không những mang tôm, cá về mà quyết tâm vươn khơi còn thể hiện sự phản đối trước hành động phi lý, sai trái khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam...”, anh Đinh khảng khái.

Các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” phát huy được tinh thần vươn khơi, bảo vệ chủ quyền của ngư dân

Cũng trong thời gian qua tại Thừa Thiên Huế, các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” đã được lập nên. Khi tham gia tổ, các thành viên được hỗ trợ trang thiết bị, thông tin, tài liệu, được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát, phương tiện an toàn, cứu sinh… khi có các chương trình, dự án. Được ưu tiên trong xem xét giao diện tích sản xuất diêm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo quy định của pháp luật...

Nếu thành viên nào trong tổ đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc… thì các thành viên còn lại của tổ sẽ tham gia đóng góp, hỗ trợ. Hàng ngày, các tàu cá đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ viên trong tổ hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, chấp hành nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển. Cũng nhờ vậy, các ngư dân trở nên mạnh dạn, tự tin giữa biển cả bao la.

Thành lập từ năm 2015, đến nay ở Thừa Thiên Huế đã có 92 “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” với 318 phương tiện, 1.305 thuyền viên. Mỗi tổ khoảng 10 - 12 người.

Phát huy vai trò ngư dân

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, để nâng cao hiệu quả hoạt động của “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, đơn vị đã thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam...

Trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ngư dân gặp nạn được lực lượng biên phòng cứu trợ kịp thời

Tại cảng Thuận An, những người lính biên phòng trực 24/24h để thực hiện các thủ tục đăng ký, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa tàu cá ra vào cửa biển, tuyên truyền thực hiện cam kết về việc đánh bắt đúng quy định trước khi ngư dân ra khơi hoặc sau chuyến đánh bắt trở về. Đặc biệt trong tình hình COVID – 19 đang biễn biến phức tạp, biên phòng không quên nhắc nhở ngư dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi khi gặp sự cố trên biển, nhất là khi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia, các tàu cá đã kịp thời truyền tín hiệu về bờ để các đồn biên phòng có phương án xử lý. Lực lượng biên phòng sẵn sàng có mặt nơi đầu sóng, bất kể thời gian, không gian, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo tính mạng, tài sản của ngư dân.

Các ngư dân đều cho rằng, nhờ có các chiến sỹ biên phòng mà ngư dân đã đoàn kết, “xây” cho mình một “ngôi nhà chung” mà ở đó mỗi thuyền viên đều biết tương trợ, sẻ chia ngư trường và bảo vệ nhau trước những tình huống hiểm nguy có thể xảy ra trên biển.

Tặng khẩu trang cho ngư dân nhằm phòng, chống dịch COVID - 19

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thành lập 2 CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” ở xã Phú Thuận và phường Thuận An với hàng chục thành viên tham gia.

Theo ông Đào Quang Hưng – Chủ tịch UBND phường Thuận An, tính đến tháng 8/2021, phường có 337 tàu thuyền lớn nhỏ đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó ngư trường xa bờ tập trung chủ yếu ở Hoàng Sa với 122 tàu, sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 10.000 tấn/năm. Đặc biệt, từ khi có CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thì hoạt động ngư nghiệp của địa phương trở nên sôi động, đạt hiệu quả cao. Thời gian gần đây, các ngư dân trẻ đang nỗ lực thực hiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các ngư dân trẻ trong CLB còn tích cực tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU đến các ngư dân, chủ tàu cá địa phương. Nhờ thế nên nhiều ngư dân, chủ phương tiện tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ ở Thuận An nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã chấp hành nghiêm quy định để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU, không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài...

Biên phòng đồng hành cùng ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi

Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân luôn được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế thực hiện thường xuyên để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền các xã biển tặng hàng ngàn lá cờ cho ngư dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, TP. Huế...

Thay lá cờ đã bạc màu bởi nắng và gió biển bằng lá cờ Tổ quốc còn mới nguyên trước khi tàu xuất bến, ngư dân Bùi Văn Dũng (58 tuổi, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) không giấu được niềm vui. Đây là cờ Tổ quốc do cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng trên địa bàn vừa tặng. Món quà ý nghĩa này là nguồn cổ vũ, động viên mỗi ngư dân như ông Dũng về ý thức, trách nhiệm của mình với biển, đảo.

“Dù cả đời gắn bó với nghề biển, hình ảnh biển cả đã trở nên thân thuộc nhưng mỗi lần nhìn những con tàu nối đuôi nhau xuất bến vươn khơi trong lòng tôi không khỏi xúc động. Đặc biệt là những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên vùng biển quê hương, tiếp thêm niềm tin về mỗi chuyến ra khơi. Chúng tôi đánh bắt ở bất cứ vùng biển xa hay gần cứ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là thấy quê hương, thấy trách nhiệm của mình không chỉ là một ngư dân mà còn như là một chiến sĩ vừa đánh bắt vừa bảo vệ vùng biển”, ông Dũng tâm sự.

Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Thừa Thiên Huế vươn khơi

Đại tá Hà Văn Ái - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mỗi con tàu như mỗi một căn nhà của ngư dân trên biển, là mỗi cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Nhờ ngư dân mà đơn vị được cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị. Nhiều tàu cá đã trực tiếp cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn thành công hàng chục vụ tai nạn xảy ra trên biển.

“Việc tặng cờ, tặng quà... với mong muốn động viên, khích lệ niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để bà con ngư dân vượt qua những khó khăn; khơi dậy cho những ai vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Đại tá Ái chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến tháng 8/2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có 400 phương tiện tàu thuyền khai thác xa bờ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các tàu này không chỉ tổ chức đánh bắt hải sản đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Bài liên quan
  • Cảnh sát biển kịp thời cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển
    (TN&MT) - Trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, khoảng 14h35’ ngày 02/5, nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá BL 91567TS, tàu CSB 4034 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã nhanh chóng tiếp cận tàu cá và kịp thời cấp cứu 02 ngư dân gặp nạn trên biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
ĐBQH Lý Thị Lan đề nghị sớm triển khai chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi
(TN&MT) - Theo Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, việc chậm, chưa ban hành các quy định pháp luật tất yếu dẫn tới lãng phí cơ hội thụ hưởng, tiếp cận chính sách của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đừng bỏ lỡ
  • Dự án Sự Sống: Tọa đàm hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học
    Chiều 4/5, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nằm trong chuỗi sự kiện của Dự án Sự Sống được khởi xướng bởi Công ty TNHH Hiệp hội truyền thông PDA&PARTNERS, với sự đồng hành và bảo trợ  của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi Toạ đàm hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học.
  • Bộ TT&TT tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo
    (TN&MT) - Chiều 25/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo.
  • Thừa Thiên Huế: Phát triển kinh tế biển giúp ngư dân vươn lên thoát nghèo
    (TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh khu vực ven biển, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế biển, vươn lên làm giàu. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Đức (ảnh) – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng biển Cù Lao Chàm
    UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Thông báo số 104/TB-UBND về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại buổi đi khảo sát thực tế và làm việc với UBND TP. Hội An về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam và Chi đội Kiểm ngư số 3 ký kết Chương trình phối hợp hoạt động năm 2023
    Ngày 24/3, tại khu vực Cảng Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam và Chi đội Kiểm ngư số 3 tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động năm 2023.
  • Mê mẩn với ốc đảo nguyên sinh giữa bạt ngàn sóng nước
    (TN&MT) - Hàng ngàn cây cối xanh tươi, hàng trăm loài chim ríu rít, môi trường trong lành mát mẻ đến vô ngần, đó là cảm nhận của Đoàn Đảng bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin & Liên lại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro lần đầu tiên đặt chân đến Đảo Ó Đồng Trường - Một ốc đảo “đẹp - độc - lạ” giữa lòng hồ thủy điện Trị An tỉnh Đồng Nai.
  • Cảnh sát biển tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân Quảng Trị
    (TN&MT) - Ngày 21/3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) năm 2023; tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Gio Linh (Quảng Trị).
  • Việt Nam- Na Uy: Hợp tác phát triển kinh tế biển xanh
    (TN&MT) - Chiều ngày 14 tháng 2 năm 2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Na Uy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với ngài Quốc vụ khanh Andreas Bjelland Erikssen Bộ Dầu khí và Năng lượng, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Na-uy về Quy không gian biển, chuyển đổi năng lượng xanh và điện gió ngoài khơi.
  • Thanh Hóa: Công ty Công Thanh bị xử phạt 210 triệu đồng do đổ đất lấn biển
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định xử phạt Công ty cổ phần xi măng Công Thanh (Công ty Công Thanh) 210 triệu đồng do tự ý đổ đất đắp đê lấn chiếm 6,2 ha bờ biển tại thị xã Nghi Sơn.
  • Chung tay gìn giữ vịnh đẹp toàn cầu
    Với tâm huyết và tình yêu dành cho biển, đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đánh giá, phân tích khá toàn diện về vị trí, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững vịnh Nha Trang hiện nay, để từ đó truyền đi thông điệp chung tay gìn giữ vịnh Nha Trang. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi về vấn đề này.
  • Ngời sáng tinh thần người lính đảo
    (TN&MT) - Năm 2022, tôi có dịp trở lại Trường Sa cùng Đoàn công tác số 2 Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm, kiểm tra đảo và Nhà giàn DKI.
  • Khơi nguồn phát triển kinh tế biển xanh
    (TN&MT) - Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển đã triển khai được hơn 4 năm; đã có nhiều quyết sách đưa ra để phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít rào cản, điểm nghẽn cần khơi thông để đạt được mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Nhân dịp Xuân mới, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tâm huyết với biển, đảo nước nhà đã đóng góp ý kiến trí tuệ, sáng kiến khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế biển xanh.
  • Khánh Hòa chú trọng phát triển bền vững kinh tế biển
    (TN&MT) - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển (KTB) của Đảng và Nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực KTB được Khánh Hòa tăng cường và đạt được những kết quả đáng tự hào.
  • Dáng hình Tổ quốc “phía chân trời”
    (TN&MT) - Theo cách gọi thân thương, huyện đảo Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta ở “phía chân trời” phía Đông, thuộc quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Nhóm (quần) đảo Trường Sa gồm khoảng 130 đảo, đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm, bãi cát vụn san hô và rạn san hô vòng (Alton) hở và kín điển hình, phân bố rải rác trong một vùng biển rộng chừng 163.000km2.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO