Theo đại diện Sở TN&MT Thanh Hóa: Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước đã được Sở tăng cường, từng bước đi vào nền nếp. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; hoàn thành tổ chức thực hiện đo triều mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Bạng chú trọng các khu vực miền núi, vùng biên.
Thanh Hóa siết chặt quản lý việc cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước |
Với chức năng chính của ngành là quản lý về nguồn nước; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Sở đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp 259 Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước (trong đó, có 192 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 67 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt), công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Chất lượng ngày một được nâng lên, không có trường hợp giải quyết quá thời hạn, không có khiếu nại, phản ánh của nhân dân về các trường hợp được cấp phép.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra hiện trường, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải, nước nguồn tiếp nhận để giải quyết việc xin xả nước thải vào nguồn nước tại các khu vực miền núi như Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc); Nhà máy Đường Việt Nam - Đài Loan (Thạch Thành); Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước (Bá Thước).
Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án về điều tra cơ bản tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tỉnh Thanh Hóa; công tác đo triều - mặn định kỳ hằng năm trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng; nhiệm vụ Lập Danh mục nguồn nước phải cắm mốc hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nhiệm vụ Lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh…
Đảm bảo nước sạch tới vùng nông thôn, miền núi được tỉnh Thanh Hóa chú trọng |
Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của nhân dân trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có chỉ tiêu về đảm bảo cấp nước sạch cho nhân dân khu vực nông thôn và miền núi. Thanh Hóa đang tập trung các giải pháp về thu hút đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước và xử lý nước hợp vệ sinh để cấp cho sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Rà soát, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực các huyện miền núi của tỉnh nói riêng để giải quyết nhu cầu cấp bách, thiết thực của nhân dân
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa và tổ chức Đông Tây hội ngộ ký biên bản thỏa thuận ngày 20/12/2018 về Dự án Cải thiện Vệ sinh và Nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ - WOBA tỉnh Thanh Hóa do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ là 9,678 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ khoảng 2.000 hộ nghèo, cận nghèo và hộ dễ bị tổn thương kết nối với các hệ thống nước sạch đã có. Mức hỗ trợ không quá 1.400.000 đồng/hộ.
Thanh Hóa đã thu hút đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước tại khu vực miền núi |
Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để tham gia Dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến đầu tư dự án cấp nước sạch cho 19 xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi gồm Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quan Hóa và Bá Thước.
Tháng 7/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý bổ sung hệ thống nước sạch đấu nối cho 180 hộ dân thôn Vân Bằng và thôn Vân Cát xã Cẩm Vân vào dự án Cấp nước sạch cho xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy và xã Yên Lâm, huyện Yên Định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước dưới đất và nước mặt) phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước khu vực miền núi, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về Điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án nhằm khai thác có hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước của tỉnh. Qua đó, đã góp phần tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực các huyện miền núi của tỉnh nói riêng.