Bảo vệ rừng ở Yên Bái: Hiệu quả ngay từ thôn bản

Thanh Ngà| 15/04/2021 20:36

(TN&MT) - Trong năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình quản lý và bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư, đến nay, mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả.

Nếu trước kia rừng được giao cho nhóm hộ quản lý và bảo vệ, thì nay rừng được giao cho cộng đồng thôn bản bảo vệ, tất cả mọi người đều có trách nhiệm quản lý và bảo vệ.

Tháng 5/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã triển khai thí điểm mô hình “Giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của thôn bản”. Thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn và thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên được lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm này. 

Với sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên và huyện Văn Chấn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã hướng dẫn UBND 2 xã Nậm Lành  và Lâm Thượng. Cùng với đó, các xã đã chỉ đạo các thôn được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm tiến hành tổ chức họp thôn lấy ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân trong cộng đồng về thay đổi chủ thể nhận khoán bảo vệ rừng (trước đây giao khoán cho nhóm hộ); bầu Ban Quản lý rừng cộng đồng; hình thành các tổ bảo vệ rừng cộng đồng; xây dựng quy ước, hương ước; quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

55-1-.jpg

Lực lượng kiểm lâm và người dân thôn bản cùng tham gia bảo vệ rừng.

Thôn Nậm Chắn, huyện Lục Yên thành lập được 3 tổ bảo vệ rừng với 118 hộ gia đình trong thôn tham gia; cộng đồng đề nghị được nhận khoán bảo vệ 825,74 ha rừng tự nhiên phòng hộ, sản xuất. 

Thôn Giàng Cài, huyện Văn Chấn đã thành lập được 2 tổ bảo vệ rừng với 168 hộ gia đình trong thôn tham gia, cộng đồng đề nghị được nhận khoán bảo vệ 787,77 ha rừng tự nhiện phòng hộ, sản xuất. 

Ông Phùng Sinh Sương - Bí thư Chi bộ thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cho biết: “Việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư đã tạo cơ hội cho mọi người trong thôn được cùng tham gia bảo vệ rừng, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, nhất là sử dụng tiền bảo vệ rừng hiệu quả, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng đối với việc bảo vệ rừng, giữ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng”. 

Huyện Văn Chấn với diện tích rừng tự nhiên thực hiện khoán gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng là 16,5 nghìn ha trên tổng số 33,1 nghìn ha. Từ hiệu quả thí điểm công tác khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn đã được huyện Văn Chấn tích cực nhân rộng. 

Đến nay, toàn huyện đã thành lập 127 Ban Quản lý rừng cấp thôn, bản; mô hình khoán cho cộng đồng dân cư đã lan rộng ra cả những thôn, bản nhận khoán ngoài lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. 

55-2-.jpg

Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn tích cực tuyên truyền công tác chăm sóc và bảo vệ rừng cho người dân

Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đánh giá: “Bước đầu cho thấy, mô hình khoán cho cộng đồng dân cư có nhiều ưu điểm và đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng như: Việc bảo vệ rừng được người dân thỏa thuận thực hiện, phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng; góp phần nâng cao năng lực nhận thức, kiến thức, kỹ năng của người dân và cán bộ địa phương trong tổ chức bảo vệ rừng. Công tác tuần tra rừng được tiến hành thường xuyên, các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả ngay từ cơ sở. Việc thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng được công khai trong các buổi sinh hoạt và do cộng đồng quyết định, đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý và sử dụng ngân sách”. 

Qua đó cho thấy, việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản đã gắn trách nhiệm của cấp ủy chi bộ, trưởng thôn bản và định hướng các hoạt động của cộng đồng theo hướng tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ngay từ cơ sở. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ rừng ở Yên Bái: Hiệu quả ngay từ thôn bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO