Bảo vệ rừng già giữ đất trồng sâm

06/06/2017 00:00

(TN&MT) - Những vùng rừng nguyên sinh rộng lớn ở độ cao từ 1.200m trở lên tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có độ che phủ trên 70%. “Dân mình phải giữ bằng được rừng già để trồng sâm. Không còn rừng già thì không trồng được cây Sâm Ngọc Linh đâu”- những người đồng bào Xơ Đăng trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh nói.

Nhờ cây Sâm Ngọc Linh mà những cánh rừng già nguyên sinh ở Nam Trà My vẫn được giữ được nguyên vẹn
Nhờ cây Sâm Ngọc Linh mà những cánh rừng già nguyên sinh ở Nam Trà My vẫn được giữ được nguyên vẹn

Làm giàu từ cây sâm

Những năm gần đây, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Trà My đã dành một khoảng kinh phí hằng năm để phát triển cây Sâm Ngọc Linh theo mô hình trồng sâm trong nhân dân. Số lượng sâm giống nhà nước hỗ trợ trong các năm qua cho người dân là: 263.901. Bên cạnh số lượng cây giống nhà nước đã đầu tư hỗ trợ cho người dân phát triển thì trên địa bàn thôn 2, thôn 3 và thôn 4 xã Trà Linh hầu hết các hộ có điều kiện về lao động, vốn đã tự đầu tư phát triển giống cây Sâm Ngọc Linh.

Hiện nay, tại xã Trà Linh đang bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh tại 3 xã: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, hình thành 27 chốt trồng sâm; với hơn 653.500 cây sâm với nhiều độ tuổi khác nhau. Trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh, do UBND huyện Nam Trà My quản lý (được hình thành năm 2013) với hơn 20.000 cây sâm giống, có độ tuổi 2 năm; Trại dược liệu Trà Linh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam quản lý; tổng diện tích đang quản lý là 7,127 ha, với tổng số lượng cây sâm là 167.658 cây cũng với nhiều độ tuổi khác nhau.

Ông Hồ Quang Bửu- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Công tác bảo tồn và phát triển cây sâm trong thời gian qua đã giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu; giải quyết một số vấn đề khó khăn của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm đáng kể, cụ thể: xã Trà Linh giảm 7,06%; xã Trà Cang giảm 7,24%; xã Trà Nam giảm 13,98% so với năm trước, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế vùng trồng sâm của huyện Nam Trà My. Việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn là mục tiêu của chính quyền huyện Nam Trà My trong thời gian tới. Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu Sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất các mặt hàng thuốc có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tạo nên dược phẩm đặc hữu của quốc gia.

Công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh đã giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu
Công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh đã giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu

Giữ rừng già để trồng sâm

Từ nóc Luông Giang nhìn ra bốn phía đâu cũng là núi cao ngút ngàn. Giữa ban ngày, những lớp sương mù và mây vẫn che phủ trắng xóa các ngọn núi. Lối lên vùng sâm tại thôn 2, thôn 3, thôn 4 của xã Trà Linh rất khó đi do bị phủ kín cây rừng rậm rạp. Càng lên cao, càng bất ngờ khi những cánh rừng nguyên sinh với những cây gỗ đại thụ được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Các làng Tăk Ngo, Cam Bin, Măng Lùng là những thung lũng hẹp, hiểm trở được vây bọc tứ bề bởi rừng đại ngàn, nhìn lên chỉ thấy một màu xanh trùng điệp.

“Dân mình giữ nhiều cái rừng già lại để có nước mà làm nương rẫy. Còn từ ngày biết trồng cây Sâm Ngọc Linh, dân mình càng giữ rừng nhiều hơn để có chỗ mà trồng cây sâm quý. Chỗ trồng sâm phải có nhiều rừng già bao quanh bên ngoài mới giữ được độ ẩm, độ mát cho cây sâm phát triển vào mùa nắng.”- ông Hồ Văn Du ở thôn 2, Trà Linh bộc bạch.

Tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế
Tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế

Ở xã Trà Linh, đồng bào Xơ Đăng biết trồng Sâm Ngọc Linh sớm nhất và cũng là nơi nhiều sâm nhất ở đất sâm Nam Trà My. Từ ngày Sâm Ngọc Linh được công nhận là dược liệu quý của Thế giới, giá trị sâm tăng lên thì bà con ở Trà Linh đã ngừng hẳn việc phá rừng làm rẫy. Tuy đến nay, mỗi hộ dân ở Trà Linh chỉ mới trồng trên dưới một sào (500m2) nhưng họ đã cùng nhau  hợp sức giữ rừng rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Lượng, một trong những hộ dân trồng sâm nhiều nhất và cũng thành công nhất ở xã Trà Linh cho biết: “Dân mình giờ giữ rừng tốt lắm, không ai chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy nữa đâu. Trồng Sâm Ngọc Linh giúp người Xơ Đăng ở Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang thoát cảnh khó khăn, túng thiếu. Cái rừng già để trồng sâm ở Trà Linh mình còn nhiều lắm, muốn đi cho hết phải lội bộ mất năm, bảy ngày đường nhưng phải biết giữ rừng, không có rừng già là không có Sâm Ngọc Linh đâu”- ông Lượng nói.

Bài & ảnh:Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ rừng già giữ đất trồng sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO