Bảo vệ môi trường– Vì tương lai Sơn La xanh

Nhã Thiên – Khánh Huyền | 19/01/2023, 23:17

Với việc đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, năm 2022 tiếp tục ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm, hành động bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và sự chung tay của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Chủ động ứng phó, kiểm soát

Để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và ban hành 8 Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải sinh hoạt, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu; 4 văn bản thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành 3 chỉ tiêu về môi trường thuộc hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Sở đã phát hành 1.910 tập tờ gấp giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường gửi đến các Sở, ngành, UBND cấp huyện; tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu cho 1.000 lượt người là cán bộ, công chức các sở, ban ngành, phòng TN&MT các huyện, thành phố, công chức địa chính môi trường các xã, thị trấn, các doanh nghiệp… Góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ các cấp, các ngành thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân có sự chuyển biến rõ nét, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, đã tiếp nhận, thẩm định, trình phê duyệt 15 hồ sơ báo cáo Đánh giá tác động môi trường, 12 hồ sơ Giấy phép môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường các dự án… Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh, lắp đặt Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục làm căn cứ theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường. Vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm của UBND cấp huyện trong cấp giấy phép môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường.

Công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực môi trường được đẩy mạnh, đã triển khai thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường với 38 đơn vị. Qua hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, kiến nghị xử lý những tổ chức có vi phạm.

anh-1.jpg
Sơn La luôn chủ động triển khai kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Có thể nói, năm 2022, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có sự chuyển biến căn bản, hiệu quả. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, không phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 100% các thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hạn; 100% các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm hoặc có hành vi vi phạm được kiểm soát, xử phạt nghiêm. 100% các cơ sở thuộc đối tượng thu phí về bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đã thực hiện đầy đủ; 100% cán bộ làm quản lý về bảo vệ môi trường các cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tham gia tập huấn, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

Dự báo, năm 2023 và giai đoạn 5 năm tới, tỉnh Sơn La sẽ có nhiều cơ hội, thời cơ tăng tốc phát triển nhanh, bền vững đồng nghĩa sẽ gia tăng áp lực phát thải tới môi trường. Thực hiện mục tiêu Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh – nhanh – bền vững, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, giấy phép môi trường với các dự án đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; thường xuyên phát động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn…

Rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được phê duyệt báo cáo ĐTM để tiến hành kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường (hậu kiểm), đôn đốc cấp giấy phép môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở, đặc biệt các cơ sở có lượng phát thải lớn, cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản, cơ sở khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời và thượng tôn pháp luật.

Không để tái diễn ô nhiễm môi trường, nguồn nước

Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều nhóm giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến nông sản, không để xảy ra sự cố gây ô nhiễm.

Niên vụ 2022-2023, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 12/2022 đến hết tháng 4/2023. Công suất ép bình quân 4.600 -4.800 tấn mía/ngày. Trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được phê duyệt, Công ty đã tiến hành thi công lắp đặt, vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng nội dung ĐTM. Về các công trình xử lý nước thải, 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 900m3/ngày đêm và 2.000m3/ngày đêm hoạt động ổn định, nước thải phát sinh sau khi xử lý đạt quy chuẩn được tái sử dụng hoàn toàn. Hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục, lắp đặt 10 camera giám sát công trình thu gom xử lý nước thải, truyền hình ảnh về Sở TN&MT để phục vụ cho việc theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải trong suốt niên vụ.

Điểm mới năm nay, Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng vào hạng mục hệ thống lọc tro, phục vụ cho hệ thống khí thải. Theo đó, nước dập bụi được đưa lên bồn lắng, lấy nước trong để tuần hoàn dập bụi. Tro tiếp tục được đưa vào hệ thống lọc chân không, rút tiếp nước trong ra, còn phần tro khô bơm thẳng vào xe chuyên dụng làm phân bón cho vùng nguyên liệu của Nhà máy. Công nghệ này góp phần giúp nước dập tro không bị chảy tràn, tiết kiệm nước, chi phí sản xuất trong quá trình vận hành, bảo vệ môi trường.

Còn tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất 300 tấn tinh bột sắn/ngày. Nỗ lực triển khai công tác bảo vệ môi trường, Nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 4.400m3/ngày đêm theo công nghệ sinh học yếm khí kết hợp mương oxi hóa hoạt động ổn định. Đã lắp đặt các đồng hồ đo lưu lượng nước thải tại vị trí xả thải, thực hiện ghi chép, lữu giữ (tối thiểu 2 năm) nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải. Lắp đặt hệ thống cyclone khô để tách bụi theo nguyên lý hoạt động của buồng lắng đứng, để giảm nồng độ bụi trong khí thải ống khói. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục với nước thải sản xuất, có camera theo dõi truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT. Hiện Công ty đang hoàn thiện hồ sơ, thuê đơn vị tư vấn làm thủ tục cấp Giấy phép môi trường, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

anh-2.jpg
Đoàn liên ngành tỉnh Sơn La giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Mía đường Sơn La.

Công ty Cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La là chủ đầu tư Dự án Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Niên vụ 2022-2023, Nhà máy bắt đầu hoạt động sản xuất chính thức từ ngày 10/9/2022, công suất trung bình 65 tấn/ngày. Để bảo vệ môi trường, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm hoạt động ổn định. Nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến cà phê được thu gom vào hồ kỵ khí HDPE 7.200m3, nước thải sau xử lý được dẫn vào hồ sinh học có lót bạt HDPE dung tích 1.000m3. Đã lắp đặt hệ thống camera giám sát các khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu về cơ quản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Với quyết tâm không để tái diễn ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hoạt động chế biến nông sản, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Tổ chức ký cam kết giữa các cơ sở với Giám đốc Sở TN&MT về thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 4 cơ sở cà phê, 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường. Khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình bảo vệ môi trường và các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất trước khi vào niên vụ tại tất cả các cơ sở. Kiên quyết không cho đi vào hoạt động nếu không đảm bảo các quy định về môi trường.

Cùng với đó, Sở TN&MT đã chủ động rà soát, phân loại các cơ sở đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo 3 loại gồm: Cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, cơ sở có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường để tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện thành phố kiên quyết kiểm tra, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, không phân biệt không gian và thời gian giám sát, sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm.

Với các giải pháp quyết liệt, đột phá, từ năm 2021 đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến nông sản đã có chuyển biến rõ nét, tiến hành thu gom xử lý chất thải theo đúng quy trình, có ý thức khắc phục các tồn tại khuyết điểm theo kết luận của cơ quan chức năng, không để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La đang tiếp tục tăng cường giám sát với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung. Đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình sản xuất. Giao các huyện, thành phố tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các Cụm công nghiệp trên địa bàn để thực hiện kiểm tra giám sát.

anh-3.jpg

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo UBND cấp xã cử cán bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến cà phê, không để phát sinh các cơ sở chế biến tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, công trình biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trường hợp phát hiện các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, phải thực hiện đình chỉ, xử lý nghiêm theo quy định.

Lan tỏa các thông điệp bảo vệ môi trường

Phát huy tính tiên phong, tinh thần xung kích của tuổi trẻ, thực hiện Đề án “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2022” do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, Tỉnh đoàn Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức đoàn cơ sở bằng các chương trình, kế hoạch hành động, các chỉ tiêu để đánh giá thi đua hàng tháng, quý. Chỉ đạo các cơ sở đoàn đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, như: Đoạn đường thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp; các công trình vườn cây thanh niên, bồn hoa thanh niên ở các trường học, cơ quan, đơn vị; ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, xây dựng các tuyến đường bích họa...

Qua 4 năm triển khai Đề án, các tổ chức đoàn toàn tỉnh đã triển khai 14 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, gần 100 lượt tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội với gần 1.500 đoàn viên thanh niên được tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường, ứng phó trước các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường. Phát 28.000 tờ rơi tuyên truyền và treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại nơi công cộng, các tuyến phố, nơi đông người qua lại. Huy động trên 11.000 lượt đoàn viên thanh niên ra quân thu gom, xử lý 400 m3 rác thải; duy trì trên 700 tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch đẹp - Văn minh”. Xây dựng gần 2.000 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, 100 lò đốt rác, đào 500 hố rác tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, xã biên giới vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

anh-4(1).jpg
Mô hình “Thùng rác xanh thanh niên” của Huyện Đoàn Mai Sơn.

Cùng với đó, Tỉnh đoàn Sơn La đã thành lập, duy trì 45 đội hình thanh niên tham gia làm sạch môi trường, hỗ trợ người dân xử lý sự cố về môi trường. Xây dựng 24 mô hình thanh niên tham gia phòng, chống rác thải nhựa tại các xã, phường, thị trấn; thành lập 10 mô hình chợ dân sinh nói không với các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; xây dựng 51 mô hình vườn ươm thanh niên; hỗ trợ 340 triệu đồng cho 28 dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hỗ trợ sửa chữa 20 ngôi nhà cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai, tổng giá trị hơn 600 triệu đồng...

Đặc biệt, đã phát động triển khai hơn 120 công trình thanh niên ý nghĩa, tiêu biểu như: Mô hình Thùng rác xanh của Huyện Đoàn Mai Sơn; Đổi giấy nhựa, nhận cây xanh; Hành trình thứ 2 của lốp xe tận dụng các lốp xe tái chế làm bồn hoa, đồ chơi ngoài trời cho học sinh mầm non, trang trí ngõ xóm, đường liên bản, nội bản; công trình nhà vệ sinh làm bằng chai nhựa tại huyện Mai Sơn, Mộc Châu...

Hàng tuần, hàng tháng, duy trì các hoạt động cao điểm ra quân Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày thanh niên hành động vì môi trường… huy động đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia trồng cây xanh, thu gom xử lý rác thải, bao bì, chai lọ thuốc BVTV, đào hố rác, xóa bỏ điểm đen về ô nhiễm môi trường. Sự quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ chính là lực lượng tiên phong góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ đó, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng hành tinh xanh tới mỗi người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc Lai Châu
(TN&MT) - Với 20 dân tộc, trên 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bức tranh văn hóa tỉnh Lai Châu có sự phong phú, đa dạng đồng thời mang những nét đặc trưng của từng dân tộc. Làm thế nào để khai thác thế mạnh này cho phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc ấy và đưa hình ảnh, văn hóa các dân tộc Lai Châu đến bạn bè, du khách bốn phương?
Đừng bỏ lỡ
  • Sơn La: 50 đoàn viên thanh niên đạp xe diễu hành hưởng ứng Giờ Trái đất 2023
    (TN&MT) - Ngày 25/3, Đoàn thanh niên Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Sơn La tổ chức ra quân tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.
  • Yên Bình (Yên Bái): Ra quân hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh
    (TN&MT) - Sáng 25/3, tại tổ 7 thị trấn Yên Bình, UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) tổ chức phát động trồng cây Phong Linh vàng và cây Hoa Ban trắng hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
  • Mưa đá xuất hiện tại miền núi Thừa Thiên – Huế
    Một trận mưa đá vừa xảy ra tại huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế, không thiệt hại về người.
  • Thời tiết ngày 25/3: Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày và đêm 25/3, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi cục bộ có mưa vừa, mưa to.
  • Lạng Sơn: Giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học giúp dân thoát nghèo
    (TN&MT) - Được ví như “lá phổi xanh” vùng Đông Bắc, với trên 8.200ha rừng trải rộng trên địa bàn 5 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Lạng Sơn, rừng đặc dụng Hữu Liên là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc từ bao đời nay. Nhờ được giao khoán bảo vệ rừng, giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, làm du lịch sinh thái đã tạo nguồn sinh kế ổn định cho bà con, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
  • Thời tiết ngày 24/3: Nắng nóng gay gắt trước khi giảm nhiệt
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 24/3, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, vùng núi phía Tây có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất 35-45%.
  • Ngay sau nắng nóng diện rộng, miền Bắc sắp đón không khí lạnh
    (TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ chiều tối và đêm 24/3 trở đi, có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc, gây mưa rào và dông mạnh ở khu vực Việt Bắc, Đông Bắc.
  • Các nước Bắc Âu chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
    (TN&MT) - Chiều 23/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải: Kinh nghiệm của Bắc Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.
  • Tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì
    (TN&MT) - Sáng 23/03, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Đại sứ quán Na Uy và một số đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs).
  • Nắng nóng ở đồng bằng đến sớm hơn trung bình 1 tháng
    (TN&MT) - Đó là thông tin vừa được ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV cung cấp khi ông trao đổi về tình hình nắng nóng thời gian tới.
  • Văn Yên (Yên Bái): Sâu rộng phong trào bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức Lễ phát động Phong trào “Mỗi người - Mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường”, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân.
  • Hà Tĩnh: Chặn ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật
    (TN&MT) - Nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về thu hút lực lượng lao động trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là ở khu vực nông thôn. Song song đó làm gia tăng nhiều sức ép lên môi trường, yêu cầu cần triển khai các giải pháp để chủ động kiểm soát, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất.
  • Công nghệ cao - giải pháp đột phá cho dự báo thiên tai
    (TN&MT) - Những năm qua, để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành khí tượng thủy văn (KTTV) luôn chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Mục tiêu chung là giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.
  • Thông tin KTTV: Đầu vào quan trọng của các hoạt động kinh tế - xã hội
    (TN&MT) - Nắm bắt thông tin KTTV giúp con người chủ động hơn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện đảm bảo để quá trình phát triển hạn chế được các rủi ro từ thời tiết, khí hậu. Vì vậy, thông tin KTTV được đánh giá là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO