(TN&MT) - Đó là tên gọi của chương trình tọa đàm vừa được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế và Công ty TNHH Không vì lợi nhuận Choice phối hợp tổ chức, diễn ra tại Giảng đường Từ Đàm (01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, TP. Huế), nhằm kêu gọi sự chung tay của tín đồ Phật giáo cùng với cộng đồng tích cực bảo vệ không gian sống của con người và các loài sinh vật.
Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, trong quan điểm của đạo Phật, môi trường là một trong những yếu tố bất khả phân ly đối với sự sống. Giữa môi trường và sự sống của con người luôn có mối quan hệ gắn bó khắn khít, bền chặt, theo nguyên lý duyên khởi. Có ba nguyên nhân căn bản dẫn tới môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm trên phạm vi toàn cầu: do lòng tham của con người, thiếu ý thức và do chiến tranh.
Tôn trọng sự sống là một điều rất được đề cao trong Phật giáo. Cấm sát sanh và làm hại thú vật là một trong những giới luật căn bản dành cho mọi Phật tử. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi và nghiệp báo, mà còn vì ý thức rằng mọi loài sinh vật đều có quyền sống bình đẳng và môi trường sống là dành cho tất cả mọi loài trên Trái đất này chứ không phải dành riêng cho con người. Tinh thần tôn trọng sự sống đối với mọi loài trở thành nếp sống mà người Phật tử Việt Nam - Huế có truyền thống thả chim, thả cá, phóng đăng, ăn chay, thọ Bát quan trai là những hình ảnh tuyệt đẹp của lòng từ bi ấy nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chống lại biến đổi khí hậu.
“Thế giới môi trường sẽ giảm thiểu sự nguy hại khi mọi người có ý thức sống không khai thác các nguồn tự nhiên vốn có. Thay vì tận hưởng dục lạc thì Đức Phật khuyến khích cho các đệ tử của Ngài sống đời sống ít muốn, biết đủ mới bảo vệ thiên nhiên được và sống một đời sống bình yên. Đạo Phật tán dương nếp sống hài hòa với thiên nhiên, với loài người; tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật; đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch. Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại”, Hòa thượng Thích Huệ Phước chia sẻ.
Chương trình tọa đàm đã thu hút đông đảo tăng, ni và Phật tử từ khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế tham dự. Tại đây, chư Tôn đức cùng đại diện Chi cục Kiểm lâm đã trả lời chi tiết về vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin về quan niệm trong việc phóng sinh từ góc nhìn từ bi, cứu nạn chúng sinh của nhà Phật và quan điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã của nhà quản lý và những quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, các lời khuyên cho quý Phật tử và cộng đồng về các vấn đề liên quan...
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế, từ ngàn xưa, quan điểm của Phật giáo luôn nhìn nhận bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là một trách nhiệm về mặt đạo đức mà còn là một cách để thể hiện lòng từ bi và trí tuệ. Phật giáo khuyến khích con người sống hài hòa với tự nhiên, không can thiệp quá mức vào môi trường sống của các sinh vật khác. Việc bảo tồn đa dạng sinh học là một biểu hiện của sự tôn trọng và chấp nhận tự nhiên, sống đồng hành với môi trường thay vì cố gắng kiểm soát và thay đổi nó.
“Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ các loài động vật hoang dã nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán và khai thác trái phép, như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật; giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế... Qua chương trình toạ đàm này, chúng ta cùng nhau nói và hiểu rõ tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã, có giá trị to lớn như thế nào cho chính cuộc sống chúng ta. Chúng ta hy vọng, những hiểu biết, những kiến thức về pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã, những lời daỵ của Đức Phật về đức Hiếu sinh, sẽ giúp chúng ta ngộ ra và cùng lan toả tình yêu đối với thiên nhiên và với các loài động vật hoang dã, từ đó cùng chung tay bảo vệ vì sự phát triễn bền vững của muôn loài”, ông Tuấn nói.
Được biết, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã; với nhiều phong trào môi trường được phát động; cùng với đó là việc ý thức của người dân đã tăng cao về động vật hoang dã. Từ năm 2022 đến nay, có 192 cá thể động vật được người dân giao nộp, trong đó có 176 động vật nguy cấp quý hiếm nhóm IB.