Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp: Vẫn nặng đối phó!

22/08/2013 00:00

(TN&MT) - Số lượng các KCN tăng lên một cách ồ ạt mà thiếu sự kiểm soát chặt về BVMT là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp phớt lờ công tác BVMT.

(TN&MT) - Số lượng các khu công nghiệp (KCN) tăng lên một cách ồ ạt theo tốc độ công nghiệp hóa mà thiếu sự kiểm soát chặt vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) chính là một trong những nguyên nhân làm cho không ít doanh nghiệp “nhờn” luật  và phớt lờ công tác BVMT.
   
“Tham bát kinh tế, b mâm môi trường”
  Thống kê cả nước đã có 283 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80 nghìn ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52 nghìn ha, chiếm 65% tổng diện tích đất tự nhiên.
   
  Quy định các chủ đầu tư xây dụng và kinh doanh kết cấu hạ tầng phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống xử lý nước tập trung. Trong 3 năm gần đây, số KCN có hệ thống xử lý nước tập trung đã tăng lên nhưng tổng thể thì không tăng bao nhiêu và có tới 57% các KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước tập trung. Khi được kiểm tra nhắc nhở thì các KCN tìm cách kéo dài việc trì hoãn xây dựng các hệ thống này và cả hệ thống xử lý rác thải nói chung. Cách phổ biến của các KCN là không tiến hành lấp đầy các KCN đạt tới tỷ lệ 70%. Tại những KCN có hệ thống thì lại không thể đáp ứng do công nghệ thấp và do lượng thải vượt mức đăng ký cũng như công suất thiết kết của hệ thống.
   
  Quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nước ta đang tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Từ đó dẫn đến việc thải ra nhiều chất thải, bao gồm chất thải rắn, khí thải, nước thải. Các loại chất thải này đến lượt nó lại không được xử lý phù hợp mà xả trực tiếp ra môi trường dẫn đến gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Việc xử lý chất thải rắn, khí thải và chất thải nguy hại từ các cơ sở công nghiệp chưa được thực hiện một cách triệt để.
   
Không ít các doanh nghiệp phớt lờ các quy định về BVMT
    
   
  Ước tính, lượng chất thải rắn đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các khu công nghiệp và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm.
   
  Mặc dù, chúng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhưng theo thống kê có đến 85% cơ sở công nghiệp nước ta có trình độ công nghệ lạc hậu, chỉ 10% trình độ trung bình và 5% là công nghệ tiên tiến so với thế giới. Công nghệ lạc hậu tất nhiên không thể sử dụng hiệu quả tài nguyên, đồng thời sẽ tạo ra nhiều chất thải. Mặt khác, ý thức nhận thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc xử lý chất thải, BVMT còn chưa cao. Thậm chí, còn có những doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm xử lý chất thải để hưởng lợi bất chính.
   
“Cuc chiến” không khoan nhượng
   
  Từ nhiều năm nay, Bộ TN&MT xác định đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về BVMT, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm buộc các doanh nghiệp phải thay đổi thái độ trách nhiệm và hành vi đối với công tác BVMT là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, lực lượng thanh tra môi trường ở Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra các KCN, cụm công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt có những đợt trọng điểm và đột xuất khi có vụ việc "nóng", hay phản ánh của người dân.
   
  Nhận định tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn, Bộ TN&MT đã chỉ đạo phải tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT trên cả nước và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với sự quyết liệt vào cuộc từ đầu 2013 đến nay, Bộ đã tiến hành 182 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 8,15 tỷ đồng, kiến nghị truy thu gần 550 triệu đồng.
   
  Trước đó, Bộ triển khai 5 Đoàn thanh tra tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 375 cơ sở và KCN; lập biên bản 154 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền là 22 tỷ đồng, phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra liên ngành đối với 66 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lập biên bản xử phạt 35 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
   
  Thông tin từ, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an, 3 năm trở lại đây đã phát hiện hơn 6.000 vụ vi phạm, khởi tố gần 40 vụ, hơn 60 đối tượng, xử lí hành chính hơn 5.000 vụ việc, gần 6.000 tổ chức cá nhân, với số tiền hơn 90 tỷ đồng.
   
  Có thể thấy ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất. Hàng ngày có một lượng nước thải từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy.
   
  Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng là hệ lụy từ những hành vi thiếu suy nghĩ của con người đã gây hại đến môi trường. Thanh tra, kiểm tra là một trong những công tác quan trọng góp phần kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp: Vẫn nặng đối phó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO