Bảo vệ môi trường đầu xuân - những góc nhìn đa chiều

Nhóm phóng viên (thực hiện)| 31/01/2023 12:46

(TN&MT) - Đầu Xuân mới, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi lại những ý kiến của lãnh đạo, các nhà quản lý ngành TN&MT trên mọi miền Tổ quốc. Từ Thủ đô Hà Nội thân yêu đến TP.HCM sôi động, từ miền Trung ruột thịt đến vùng cao Tây Bắc và cả du khách nước ngoài… đâu đâu cũng đề cao vai trò của bảo vệ môi trường với cuộc sống.

Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT):

Trồng cây - hoạt động khởi đầu cho những nhiệm vụ lớn

8-9-5-.jpg

Một quốc gia, một địa phương muốn phát triển bền vững phải thực hiện tích cực công tác bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển kinh tế. Mỗi người đều có thể tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên, khơi thông dòng chảy, trồng thêm nhiều cây xanh… Đồng thời, lên án và đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường; dần loại bỏ thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng…

Trồng cây cũng là một trong những hoạt động mà mọi người đều có thể tham gia, mang lại vai trò to lớn đối với môi trường và cộng đồng. Tuy vậy, mỗi chương trình trồng cây mới chỉ là sự khởi đầu của rất nhiều hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần tham gia cam kết toàn cầu hành động vì thiên nhiên, để Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thế giới về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.

Trồng cây có vai trò quan trọng trong việc góp phần chống xói mòn đất vào mùa mưa lũ, tăng cường mực nước ngầm vào mùa khô hạn, đồng thời giúp giảm cường độ gió vào mùa mưa bão và hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình, qua đó, tạo phong trào, khuyến khích cộng đồng có những hành động cụ thể, thiết thực thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Không những thế, trồng cây còn hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình. Do đó, khi hưởng ứng hoạt động này, mỗi địa phương bước sang giai đoạn mới phát huy lợi thế sẽ tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội; triển khai tích cực kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát triển kinh tế hài hòa, gắn kết với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Mong rằng, chương trình trồng cây ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và luôn mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Bà Phan Thị Liên - Bí thư Đảng ủy phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM:

Mỗi người dân góp phần xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường

8-9-3-.jpg

Năm 2022 là năm quan trọng đánh dấu sự phục hồi của TP.HCM sau đại dịch Covid-19 với nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Năm 2022, cũng đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều đổi mới với mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất là kiểm soát tốt hơn ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị ngày 31/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị xanh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với định hướng này, trước hết TP.HCM cần tiếp tục triển khai và nâng tầm các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang triển khai. Trong đó, TP.HCM cần tiếp tục triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030; tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, TP.HCM cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các tầng lớp nhân dân từ những việc nhỏ nhất như: không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, không gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, Đồng thời, cần xác định vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cấp phường, xã, thị trấn bởi công tác quản lý Nhà nước về môi trường ngày càng đẩy mạnh phân cấp về cơ sở.

Theo tôi, để công tác bảo vệ môi trường được thực chất, bền vững, phải bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi khu phố. Tại phường 6, quận Bình Thạnh, những năm qua, chúng tôi đã triển khai có hiệu quả các mô hình “Chung cư xanh”, “Tuyến hẻm xanh”, “Đội tình nguyện xanh”…, từ đó xây dựng Phường 6 đạt tiêu chí “Phường xanh, sạch và thân thiện với môi trường”. Tôi tin rằng, nếu tất cả phường, xã, thị trấn cùng hành động thì nhất định TP.HCM trở thành Thành phố xanh - thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Nam:

Du lịch xanh để hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên.

8-9-4-.jpg

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Đây là xu hướng mới trong du lịch mà Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong triển khai du lịch xanh, du lịch bền vững. Tỉnh đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần lan tỏa thông điệp "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh".

Có thể khẳng định, phát triển du lịch không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội - văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, bảo vệ môi trường đang được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch xanh ở Quảng Nam hiện nay trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3570/QĐ-UBND về Bộ Tiêu chí du lịch xanh và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là ý thức của du khách, cộng đồng doanh nghiệp dần được nâng cao. Họ đã nhận thức rõ rệt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa và tuần hoàn được giá trị đó để sinh lợi thì mới có thể bền vững.

Để tiếp tục phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tạo thành thương hiệu Du lịch xanh của Quảng Nam, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các quy định về phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong toàn nhân dân và các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các khu du lịch, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan du lịch,... phải đồng bộ hóa về cách thức quản lý, thay đổi những thói quen cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng thân thiện với môi trường như sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm nước, thu gom, phân loại và tái chế rác thải,... Vì vậy, địa phương sẽ tăng cường hướng dẫn, khuyến khích các chủ doanh nghiệp du lịch đăng ký tham gia Bộ Tiêu chí du lịch xanh theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 04/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La:

Để mỗi người dân, du khách chung tay giữ gìn môi trường mùa lễ hội

8-9-1-.jpg

Sơn La là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của 12 dân tộc anh em được gìn giữ, phát huy. Để bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, di tích, tổ chức lễ hội, Sở TN&MT đã phối hợp với các địa phương triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường, theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tuyên truyền để người dân hiểu, nắm được các quy định về quyền, trách nhiệm của người dân theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của người dân, du khách từ những việc làm nhỏ nhất như chủ động phân loại rác, không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, không xả rác bừa bãi, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Song song đó, Sở TN&MT cũng đề nghị các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, người lao động trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư, du khách. Treo băng rôn, pano, áp phích kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, lễ hội; Bố trí thùng rác ở vị trí thuận tiện cho khách bỏ rác, lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan. Có phương án thu gom, bảo đảm không để rác thải tồn đọng tại các khu vực tổ chức hoạt động, lễ hội, sự kiện.

Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trước, trong và sau khi tổ chức các hoạt động, lễ hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Ông Mikael Rosell - du khách người Thụy Điển:

Tết Việt ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên và môi trường

8-9-6-.jpg

Đây là lần thứ 3 tôi trải nghiệm Tết ở Việt Nam, có năm tôi dành thời gian đón Tết ở Hạ Long (Quảng Ninh), năm nay tôi thưởng thức khoảng thời gian tuyệt vời này ở Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên tôi đến đây là năm 2016, khi được nhiều người bạn ở Thụy Điển khuyên nên đến Việt Nam để du lịch và trải nghiệm không khí Tết ở đất nước xinh đẹp này.

Dù ở đâu, tôi cũng thấy người dân Việt Nam thật thân thiện và hào hiệp. Tết ở Việt Nam cũng vậy, rất thân thuộc, gần gũi và có nét tương đồng với Tết của người Do Thái, đó là sự đoàn tụ, quây quần bên gia đình và người thân mỗi khi Tết đến xuân về. Những thành viên trong gia đình, cùng hàng xóm, bạn bè, người thân quây quần trong bữa cơm Tất niên vào ngày 30 Tết và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Tôi cũng yêu thích cảm giác trước Tết, khi đường phố trở nên tấp nập hơn. Người dân nô nức đi sắm Tết, những chậu đào, cành quất được để sau xe máy chở về nhà. Tôi cũng thích mua cây quất, cành đào để trang trí nhà, thích được mua và chuẩn bị quà tặng các đối tác, người thân của mình.

Thụy Điển cũng có những sản phẩm mang đậm phong cách văn hóa truyền thống và được gìn giữ từ rất lâu. Đây cũng là một nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.

Tết này, tôi được thưởng thức món bánh Chưng truyền thống ngày Tết của người Việt. Tôi cảm thấy Tết Việt rất thân thuộc với mình. Việt Nam như quê hương thứ hai của tôi. Không chỉ ấn tượng với những món ăn ngày Tết của người Việt, cảnh quan thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam cũng khiến tôi muốn quay trở lại đất nước này sau lần đầu tiên đặt chân đến đây. Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường hoa, vườn hoa công cộng được duy trì tốt không chỉ trong dịp Tết mà cả ngày thường. Nhiều luống hoa được trồng đã làm đẹp cảnh quan môi trường vốn trước đây là những bãi chứa rác.

Hình ảnh những chị lao công quét rác trên đường phố không kể ngày đêm, hình ảnh những nhân viên cắt lá, tỉa cành cho nhiều tuyến đường hoa ở Thủ đô đã khiến tôi thực sự yêu thích cảnh quan thiên nhiên và môi trường nơi đây.

Bà Đỗ Thị Huyền - Tổ trưởng Tổ 7, Chi nhánh Hoàn Kiếm (URENCO Hà Nội):

Vừa đảm bảo vệ sinh vừa tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường.

8-9-2-.jpg

Những năm gần đây, sự phát triển của thành phố khiến lượng rác tăng lên chóng mặt, vì vậy, vào dịp Tết, thời gian nghỉ của chúng tôi rất ít, đã từng có những công nhân trực triền miên từ 27, 28 đến mùng 6 Tết. Cũng may là Công ty đã thay đổi nhiều, sự vận hành được phát triển theo xu thế cải tiến hơn, trang thiết bị máy móc được đầu tư đồng bộ hơn và Ban Lãnh đạo ngày càng quan tâm hơn nên chúng tôi cảm thấy có động lực làm việc, gắn bó với nghề dù mỗi ngày càng thêm khó khăn vất vả.

Trong cảm xúc mùa xuân mới, khi áp lực về môi trường ngày càng lớn và Luật Bảo vệ môi trường 2020 sắp có hiệu lực về xử phạt vi phạm môi trường, tôi chỉ mong Luật sớm đi vào cuộc sống và được thực thi thật hiệu quả để chị em chúng tôi có thêm một ngày nghỉ Tết đoàn tụ với gia đình.

Tôi cũng hiểu rằng, dù khung phạt đã quy định nhưng nếu áp dụng trôi chảy cũng phải mất một thời gian chứ không thể làm được ngay. Tôi rất mong các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ý thức chỉ là một phần bởi không có một ý thức tuyệt đối toàn diện nào cả mà phải tổng hợp từ rất nhiều yếu tố mà luật pháp là một trong những yếu tố có sức mạnh. Công ty chúng tôi đã từng đặt hy vọng rất nhiều về sức mạnh “ba bàn tay”, trong đó có bàn tay của chính sách pháp luật. Vừa rồi ở Công ty, chúng tôi được nghe về Luật Bảo vệ môi trường mới, chúng tôi rất mừng bởi nếu thực thi có hiệu quả, công nhân sẽ đỡ vất vả hơn, quan trọng hơn là việc xử lý rác khoa học, triệt để hơn, tiết kiệm được chi phí cho Công ty, cho thành phố và Nhà nước. Nếu được tin tưởng giao việc, tôi sẵn sàng vừa là công nhân môi trường, vừa là một tuyên truyền viên lưu động tình nguyện tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức chấp hành luật pháp bảo vệ môi trường của người dân. Cá nhân tôi luôn mong muốn sự cần mẫn trong công việc và thái độ phục vụ tận tình của chúng tôi có thể thức tỉnh được hành vi của mọi người đối với môi trường, nhất là vào những dịp đặc biệt như Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường đầu xuân - những góc nhìn đa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO