Bảo vệ "lá chắn" của Trái đất

19/09/2017 00:00

(TN&MT) - Năm 2017, đánh dấu kỷ niệm 30 năm ra đời Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS), đồng thời, đặt dấu mốc 23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư này. Các kết quả đạt được đã góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam bảo vệ tầng ô-dôn, đồng thời, khuyến khích chuyển đổi công nghệ an toàn với tầng ô-dôn và môi trường trên cả nước.

Từng bước đáp ứng lộ trình

Trong 23 năm qua, Việt Nam đã triển khai theo đúng lộ trình Nghị định thư Montreal áp dụng cho nước có lượng tiêu thụ ODS thấp, với những hỗ trợ không hoàn lại về tài chính và công nghệ từ Quỹ Đa phương và các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010. Từ ngày 1/1/ 2015, hoàn thành nghĩa vụ loại trừ loại trừ 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC (hơn 500 tấn HCFC - 141b nguyên chất trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt); đồng thời, không cấp phép nhập khẩu Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu. Công tác bảo vệ tầng ô-dôn đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014.

Để làm được điều này, Bộ TN&MT (cơ quan đầu mối triển khai Nghị định thư Montreal) đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án loại trừ các chất ODS, nổi bật là Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các dự án: Kế hoạch quốc gia của Việt Nam loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC và Halon; Tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam; Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam - giai đoạn I. Các chương trình, dự án chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp thí điểm chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thay thế; đào tạo nhân lực vận hành, sửa chữa công nghệ mới; xây dựng chính sách quản lý xuất nhập khẩu và sử dụng các chất ODS…

Lần đầu tiên Việt Nam xử lý thành công chất phá hủy tầng ô-dôn HCF22 tại Công ty Xi măng Holcim Hòn Chông (Kiên Giang)
Lần đầu tiên Việt Nam xử lý thành công chất phá hủy tầng ô-dôn HCF22 tại Công ty Xi măng Holcim Hòn Chông (Kiên Giang)

Gần đây, tháng 11/2016, lần đầu tiên Việt Nam đã thử nghiệm thành công tiêu hủy HCFC-22 (thu hồi từ máy điều hòa không khí) tại nhà máy xi măng Holcim Hòn Chông, Kiên Giang, mở ra hướng xử lý các chất ODS bằng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng. Tháng 5/2017, Bộ TN&MT đã ban hành văn bản gửi tới các địa phương, kiến nghị ngừng cấp phép thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp sử dụng polyon trộn sẵn HCFC-141b.

Đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được, ông Shaofeng Hu, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) hy vọng Việt Nam tiếp tục phát huy và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. UNEP khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các nỗ lực quốc gia trong thời gian tới.

Cơ hội cho các doanh nghiệp

Quá trình triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam bước đầu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan tiếp cận công nghệ mới an toàn cho khí hậu và tầng ô-dôn, được hỗ trợ chi phí chuyển đổi công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện kỹ thuật. Hiệu quả đem lại trong sản xuất và kinh doanh trở thành động lực lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn.

Học sinh trường Liên cấp Olympia (Hà Nội) vẽ tranh vẽ chủ đề bảo vệ tầng ô-dôn
Học sinh trường Liên cấp Olympia (Hà Nội) vẽ tranh vẽ chủ đề bảo vệ tầng ô-dôn

Tham gia Dự án Loại trừ và quản lý các chất HCFC giai đoạn 1 đã 5 năm, ông Bùi Thông Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Insulation Thanh Cảnh (Long An) cho biết: Sau khi chuyển đổi hoàn toàn dây chuyền sản xuất từ sử dụng chất trợ nở HCFC-141b sang cyclo-pentane, 100% sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, thay vì tỷ lệ 6% - 7% hư hỏng như trước. Ngoài ra, năng suất tăng, chi phí năng lượng giảm. Đó chính là lợi nhuận chúng tôi có thêm. Đầu ra rất khả quan bởi khách hàng giờ đã ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, hơn nữa chất lượng không hề thua kém sản phẩm cùng loại sản xuất từ công nghệ cũ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tấm cách nhiệt TABI (TP. HCM) cho biết, từ hơn 1 năm nay, giá chất trợ nở thân thiện môi trường đã giảm từ 20% – 30%, trong khi giá HCFC-141b lại tăng do các chính sách siết xuất nhập khẩu, đúng như dự đoán của các chuyên gia.

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi đều cho rằng, giá thành công nghệ mới nằm trong khả năng đầu tư, một số đang có kế hoạch mở rộng sản xuất. Vấn đề năm ở kỹ năng của nhân công, bởi các chất thay thế rất dễ gây cháy nổ trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất. Đây là một nội dung quan trọng trong giai đoạn 2 của dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Quỹ Đa phương đã phê duyệt, chấp thuận tài trợ Dự án loại trừ HCFC của Việt Nam - giai đoạn II với tổng kinh phí là 14,6 triệu USD, thời gian từ năm 2017 - 2022 trên phạm vi toàn quốc.

Dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn hỗ trợ hệ thống dạy nghề điện lạnh và huấn luyện công nhân kỹ thuật. Các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, xốp cách điện, xốp XPS và bảo dưỡng thiết bị điện lạnh tham gia sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí để loại bỏ sử dụng các chất ODS và chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ, chất thay thế thân thiện với ô-dôn và khí hậu. Mục tiêu chính là loại trừ 1.000 tấn HCFC-22 và Polyol trộn sẵn HCFC-141b, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2020 theo đúng lộ trình Nghị định thư Montreal.

Bài & ảnh: Trung Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ "lá chắn" của Trái đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO