Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho tương lai

22/08/2013 00:00

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

   
(TN&MT) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Thực tế, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bởi phạm vi bảo vệ, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp của công tác này. Do đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hợp lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng trong thời gian tới là hết sức cần thiết để sớm triển khai thực hiện.
   
Tập trung hoàn thiện thể chế
   
  Hoàn thành việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 theo hướng đồng bộ với pháp luật có liên quan, đặc biệt pháp luật quản lý tài nguyên thiên nhiên khác như: Đất đai, nước, rừng… Tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản gây tổn thất, khai thác vượt quá công suất...
  Xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác phù hợp với thực tế, có tính khả thi theo hướng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan; các cấp chính quyền địa phương; gắn công tác bảo vệ  khoáng sản chưa khai thác với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
   
  Hướng dẫn cụ thể cách thức lập, xây dựng dự toán hằng năm trong Đề án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương nơi có khoáng sản để thực hiện Điều 20 Luật Khoáng sản 2010.
   
  Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, tiếp tục duy trì phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có thông tin khai thác khoáng sản trái phép công khai phản hồi thông tin báo chí để tăng cường vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
   
   
Nhiều nguồn khoáng sản bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt. Ảnh: ST
    
   
Tăng cường năng lực cơ quan quản lý khoáng sản
   
  Với nhiệm vụ này, vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay là tăng cường nhân lực của hệ thống quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là cán bộ quản lý TN&MT cấp huyện. Nghiên cứu, đề xuất biên chế cán bộ chuyên trách về khoáng sản và môi trường cấp xã nhằm tăng cường năng lực đối với các địa phương có hoạt động khoáng sản phức tạp.
  Thực hiện tốt công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả tiền thăm dò bằng ngân sách Nhà nước để đầu tư từ ngân sách Nhà nước hằng năm, tiến tới đủ kinh phí cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phát hiện, khoanh định và làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn.
   
  Tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo chiều sâu, nhất là công nghệ khai thác, chế biến để hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản mang tầm cỡ khu vực.
   
  Xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; khẩn trương rà soát nội dung các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã phê duyệt để bổ sung, điều chỉnh theo đúng nguyên tắc, căn cứ nội dung quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó định hướng công nghệ khai thác, chế biến để khai thác triệt để khoáng sản, sử dụng hợp lý tiết kiệm khoáng sản; dự trữ khoáng sản, trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ngay trong quá trình lập quy hoạch.
   
  Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư thăm dò khai thác, chế biến sâu khoáng sản tại mỏ có điều kiện địa chất – khai thác mỏ khó khăn; khai thác các khu vực mỏ quặng nghèo; áp dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm trong khai thác, chế biến.
   
  UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm tra hoạt động khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép có tổ chức, có quy mô lớn và tái phạm; kiểm tra làm rõ làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, huyện để có hình thức xử lý, kỉ luật thích đáng, nhất là các địa phương xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép công khai, kéo dài, quy mô lớn.
   
  Nghiên cứu lộ trình tham gia “sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng - EITI” tại Việt Nam nhằm thực hiện cơ chế quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản hợp lý, có hiệu quả; quy định cụ thể rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến khoáng sản là “Nhà nước – Người dân – Doanh nghiệp” đồng thời điều tiết hài hòa lợi ích mang lại từ hoạt động khai thác khoáng sản.
   
TS. Lại Hồng Thanh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO