Bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam

Hoàng Ngân| 28/12/2022 14:05

(TN&MT) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng ban chỉ đạo dự án chủ trì cuộc họp

1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Hợp tác để bảo vệ các loài nguy cấp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn.

“Sự hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công – tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ trở thành xương sống trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. Đây cũng là nền tảng để phát huy hiệu quả việc triển khai các sáng kiến, chiến lược, kế hoạch từ cấp trung ương đến địa phương”, Thứ trưởng nói.

Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (dự án WLP) là một sáng kiến để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên. Qua việc triển khai các hợp phần, dự án đã xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá cao các kết quả đạt được của dự án, đồng thời cho biết Ngân hàng thế giới cam kết mạnh mẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành khác để thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm và bảo vệ sinh cảnh sống của những loài này.

1img_1368.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Chia sẻ về các kết quả đạt được của dự án, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết: Sau 4 năm hoạt động, dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bao gồm: Đề xuất sửa đổi, xây dựng 7 văn bản chính sách, pháp luật về quản lý, bảo tồn loài; tổ chức thành công 18 khoá tập huấn cho gần 1000 lượt cán bộ quản lý, thực thi pháp luật, các khu bảo tồn và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng quan hệ hợp tác và triển khai hoạt động phối hợp với gần 10 tổ chức đối tác và duy trì mạng lưới chia sẻ thông tin gần 1000 thành viên. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 400 loài nguy cấp và tổ chức 5 chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức quy mô lớn dưới nhiều hình thức với hơn 50 sản phẩm truyền thông nghe nhìn đa dạng về thể loại.

* Tiến tới thành lập Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học

Trong giai đoạn 2023 – 2030, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài nguy cấp, các đại biểu đề xuất Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật nhằm đảm bảo cách tiếp cận hệ thống trong bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt lồng ghép trong quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan nhằm giảm tác động đến đa dạng sinh học và thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời huy động nguồn lực triển khai Chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một số đề xuất được các đại biểu đưa ra nhằm bảo tồn loài nguy cấp trong thời gian tới là tăng cường hiệu quả bảo tồn tại chỗ và tăng cường hệ thống cơ sở bảo tồn chuyển chỗ; Thực hiện các chương trình nhân nuôi bảo tồn và phục hồi các quần thể loài hoang dã; Tăng cường thực thi pháp luật kiểm soát săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã; Thể chế hoá Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học tạo nền tảng chia sẻ, thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm nguồn lực cho bảo tồn loài.

Dự án WLP được Bộ TN&MT triển khai từ tháng 8/2019 – 12/2022 do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của dự án là bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên. Dự án tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật và tăng cường mối quan hệ đối tác, đẩy mạnh truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO