Bảo vệ các loài nguy cấp cần sự vào cuộc của toàn xã hội

05/03/2015 00:00

(TN&MT) - Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nhằm bảo vệ các loài nguy cấp. 

(TN&MT) - Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động hợp tác cùng các đơn vị nhằm bảo vệ các loài nguy cấp. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trong khuôn khổ chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi vừa diễn ra tại Hà Nội.
 
PV: Bộ TN & MT đã đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong việc bảo vệ các loài bị nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng thời gian qua, vậy Thứ trưởng có thể cho biết một số hoạt động nổi bật của Bộ TN&MT, thưa ông? 
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chủ trì xây dựng dự thảo nhiều văn bản quan trọng liên quan đến bảo vệ các loài nguy cấp như: Luật Đa dạng sinh học; Nghị định160/2013/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định và chế độ quản lý các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020,định hướng đến 2030… Bên cạnh đó, việc Luật Bảo vệ môi trường 2014 được Bộ TN&MT trình Chính phủ ban hành cũng quy định những điều khoản hết sức cụ thể và chặt chẽ sẽ góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm có xuất xứ từ thiên nhiên.
 
Bộ TN & MT cũng rất tích cực triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, bao gồm: Nâng cao nhận thức về giảm tiêu thụ trái phép các loài nguy cấp; triển khai nhiều chương trình, dự án để xây dựng mối quan hệ đối tác và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực này, đặc biệt là triển khai Dự án về tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua giảm nhu cầu tiêu thụ các loài động vật hoang dã do Ngân hàng Thế giới tài trợ; phối hợp với tổ chức Freeland để thúc đẩy triển khai Chương trình châu Á hành động chống nạn buôn bán trái phép các loài có nguy cơ tuyệt chủng (chương trình ARREST) tại Viêt Nam do USAID tài trợ; nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp đã được triển khai trên quy mô lớn và rộng khắp, hướng tới các đối tượng là thanh thiếu niên Việt Nam, các cán bộ Nhà nước, nhân viên làm việc tại các sân bay và công chúng nói chung.
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến
 
Từ kết quả hoạt động trên cho thấy, hoạt động bảo vệ các loài nguy cấp cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành hữu quan cũng như toàn xã hội chứ không thể một ngành đơn lẻ nào có thể làm tốt. Nhân dịp này, cùng với việc ủng hộ chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi (OGC), chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác chính của chương trình với mục đích “cùng nhau hành động, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi tích cực và lớn mạnh hơn”.
 
PV: Vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan đối với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài nguy cấp nói riêng?
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Xin cảm ơn về câu hỏi quan trọng này, và đây cũng là vấn đề có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của Bộ TN&MT. Ngoài việc tăng cường pháp luật hiện hành và ban hành chính sách pháp luật mới về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ TN & MT cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối giữa các các cơ quan có liên quan để đảm bảo rằng các quy định của luật pháp được thực hiện có hiệu quả nhất.
 
Chúng ta hiểu rằng hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng cần có sự vào cuộc không chỉ của các Bộ, các cơ quan của Chính phủ mà còn của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân. Bộ TN & MTđang nỗ lực điều phối để đảm bảo sự  tham gia của nhiều bên nhằm tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả thông qua việc xây dựng và tăng cường các mối quan hệ đối tác như thành lập Diễn đàn hợp tác vì động vật hoang dã; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia tổ chức các cuộc họp, hội thảo, đối thoại... để trao đổi về các vấn đề quan trọng liên quan đến chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và giảm tiêu thụ các loài nguy cấp.
 
Chúng tôi cho rằng Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi (OGC) là một sáng kiến quan trọng, cần có sự tham gia của các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức đang có liên quan, quan tâm đến các hoạt động chống lại tội phạm về động vật hoang dã. Chúng tôi hoan nghênh việc tổ chức các sáng kiến như thế này nhằm tạo ra sự thay đổi trong nhận thức về tiêu dùng động vật hoang dã, hướng tới những hành động thiết thực về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
 
PV: Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng? Sự hợp tác của Bộ với các cơ quan liên quan sẽ được phát huy như thế nào thưa Thứ trưởng? 
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tập trung vào một số nội dung cụ thể để bảo vệ đa dạng sinh học. Trước hết, Bộ sẽ tiến hành rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học. Tập trung vào triển khai các nội dung của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; Đồng thời thúc đẩy, triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8 tháng 1 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
 
Chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực có đa dạng sinh học cao. Tăng cường hoạt động tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học, tập trung vào nội dung giảm nhu cầu tiêu dùng, nâng cao nhận thức về sản phẩm từ động vật hoang dã trên phạm vi toàn quốc hướng tới mọi thành phần xã hội và tiến tới xoá bỏ thị trường buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.
 
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong công tác quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và tham gia tích cực trong vai trò là thành viên của Ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán loài hoang dã (Việt Nam - WEN).
 
Tiếp tục tăng cường hợp tác các cơ quan truyền thông, báo chí như Đài truyền hình, Đài phát thanh… và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hỗ trợ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng phải bảo tồn và giữ gìn tài nguyên đa dạng sinh học. Thiết lập đối tác về đa dạng sinh học trong khuôn khổ hoạt động Diễn đàn đối tác về tài nguyên và môi trường mà hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khởi xướng…
 
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 
Nguyễn Cường(thực hiện)
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ các loài nguy cấp cần sự vào cuộc của toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO