Bảo tồn chiếc ghế Kpan quyền lực

Đình Du | 29/09/2021, 16:26

(TN&MT) - Là chiếc ghế dài từ 10-15 m, hàng chục người có thể ngồi lên cùng một lúc. Chỉ có gia đình tộc trưởng, người giàu có thuộc đồng bào Ê Đê mới sở hữu được. Chiếc ghế Kpan còn là biểu hiện tình bằng hữu của người đồng bào, nếu có hận thù, hiềm khích, sau khi ngồi trên ghế này sẽ được hóa giải.

Chiếc ghế huyền thoại

Ngày nay một số buôn làng vùng sâu ở Tây nguyên dần “thay da đổi thịt”, những con đường đất đỏ dần thay thế cho đường bê tông, đường nhựa, những mái nhà lợp tranh, tường bằng gỗ giờ được lợp bằng tôn, bằng xi măng hiện đại. Thế nhưng phía sau sự thay đổi ấy là nỗi buồn của một nền văn hóa của một tộc người anh em với người kinh ngày một mai một.

Nhắc đến người Ê Đê thì người ta nghĩ ngay đến chiếc ghế Kpan quyền lực, biểu tượng cho sự giàu có, quyền lực. Để chứa được chiếc ghế dài như vậy, gia chủ phải xây dựng một ngôi nhà sàn rất dài, kèm theo là ché rượu, cồng chiêng quý để khách vừa ngồi lên ghế Kpan vừa tấu lên những bản cồng chiêng gọi sông núi, mời các vị thần về uống rượu mỗi khi trong buôn có lễ hội.

Ngôi nhà dài xuống cấp bên trong chứa ghế Kpan đang chờ tu sửa.

Theo nghệ nhân Y Gôn, mỗi khi trong buôn có người muốn làm ghế Kpan thì tấc cả dân làng tụ tập lại tích cực hỗ trợ, bởi sự đoàn kết của người vùng cao luôn đặt lên hàng đầu. Nếu ai không nghe, có dấu hiệu xa rời cộng đồng là bị luật tục, già làng phạt heo, bò, ché rượu, nếu nặng là bị trục xuất ra khỏi buôn.

Tạo ra chiếc ghế Kpan rất kỳ công, tốn rất nhiều về tiền bạc cũng như nhân lực con người. Già làng cử một nhóm người rành gỗ quí vào rừng để chọn cây rừng cao to, thuộc nhóm gỗ quí để sâu mọt khó tấn công. Trước khi hạ cây, thầy cúng đến khấn vái trước, rồi chủ nhà tự tay giết gà lấy máu bôi vào thân cây, còn những người liên quan đến việc làm ghế, đục đẽo sau đó phải cầm những dụng cụ hỗ trợ như: Rìu, búa, đục… đi vòng quanh thân cây bảy lần để thần linh chứng giám. Sau đó, hàng chục thanh niên khỏe mạnh dựng chòi ở tạm khu rừng đó để triển khai công việc tạc ghế dưới hướng dẫn của những nghệ nhân trong làng.

Bị sâu mọt tấn công, chiếc ghế - niềm kiêu hãnh người Ê Đê đang đợi sửa chữa.

Nói về việc hạ cây làm ghế Kpan, già Y’Mút đã ngoài 76 mùa rẫy ở xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, Đắk Nông kể rất nhiều chuyện ly kỳ. Ngoài những chuyện kể trên, trong đó có tục lệ bắt buộc là cho một đứa trẻ trần truồng đi quanh cây rừng sắp phải chặt. Tay đứa trẻ cầm rìu, thi thoảng chặt vào cây, sau khi đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ, những người có liên quan cùng nhau hạ cây. Mục đích của việc làm trên là nhằm mục đích đánh lừa thần cây, vì mỗi khi thấy đứa trẻ không mảnh che thân ông ta cười suốt ngày mà quên đi việc bản thân bị xúc phạm.

Bảo tồn niềm kiêu hãnh

Vào thập kỷ trước, chỉ cần vào trong các buôn Ê Đê ở Tây Nguyên là du khách không khó để bắt gặp những chiếc ghế Kpan dài đằng đẵng đẽo từ các loại gỗ quí như: Lim, trắc, giáng hương… ngày nay, nhà nước nghiêm cấm hành vi đốn hạ cây rừng, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, do đó người Ê Đê không lấy gỗ để đẽo ghế Kpan nữa. Ngoài ra, những năm gần đây những tay săn đồ cổ vào tận các buôn làng Ê Đê “săn” ghế Kpan bằng mọi giá để thỏa mãn thú sở hữu đồ độc, nhiều người thì mua về xẻ chiếc ghế này ra lấy gỗ quí… Vì hám lợi mà có không ít con cháu Ê Đê đã bán đi di sản của cha ông, họ bán niềm tự hào của buôn làng, khiến những vật thể có giá trị văn hóa của tộc người này ngày càng mai một.

Người Ê Đê cho biết nhà nước nghiêm cấm hành vi đốn hạ cây rừng, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, do đó họ không lấy gỗ để đẽo ghế Kpan nữa.

Lục lại trí nhớ già nua, các già làng ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, Đắk Nông nói, hàng trăm năm trước, tộc người Ê Đê phát triển hùng mạnh ở Tây Nguyên, nhằm khuếch trương thanh thế với các tộc người khác, cụ Aya H’Gân ở Đắk Lắk đã vượt sông Sêrêpốk sang bờ Nam lập ra buôn Buôr (nay xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông).

Người Ê Đê cấm kị, không được dùng cây gạo (còn gọi cây pơlang - biểu tượng vẻ đẹp rừng núi) để làm ghế Kpan, bởi tộc người này cho rằng, các vị thần mang điều tốt lành thường sinh sống ở dưới gốc cây gạo.

Ngần ấy thời gian hình thành và phát triển, buôn Buôr tạo nên bản sắc độc đáo, hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa của đồng bào Ê Đê. Nhưng giờ về đây, không gian bị hiện đại hóa, những ngôi nhà dài một thời chứa ghế Kpan trở thành nhà ngói, những giá trị văn hóa cốt lõi khác đang đứng trước nguy cơ mai một để nhường cho sự hiện đại.

Chạy theo “cơn lốc” hiện đại hóa, nhà dài chứa ghế Kpan ngày nay vừa cổ điển, vừa điện đại.

Trong ngôi nhà dài đã có phần cải tiến theo lối hiện đại hóa, ông Ama Gun lời rằng, mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người đồng bào rất ý thức giữ gìn truyền thống của cha ông để lại. Các địa điểm sinh hoạt cộng đồng hằng năm được chính quyền hỗ trợ để tu bổ tránh bị hư hỏng, xuống cấp. Các lễ cúng bến nước, lễ mừng cơm về nhà mới, lễ rước ghế Kpan cũng dần được hồi phục, duy trì.

Bài liên quan
  • Cao Bằng: Người dân xã Trường Hà thay đổi nhận thức, tích cực bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tinh thần đoàn kết của nhân dân xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn xã đã có chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi căn bản, góp phần xây dựng quê hương giàu truyền thống cách mạng ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO