Bảo tồn các loài linh trưởng tại Việt Nam: Cuộc chiến dài!

18/09/2014 00:00

(TN&MT) - Tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã diễn ngày càng nghiêm trọng khiến những loài linh trưởng của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng.

(TN&MT) - Tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã diễn ra trên quy mô rộng và tính chất ngày càng nghiêm trọng khiến những loài linh trưởng của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, những hành động ngăn chặn lại chưa thực sự đạt hiệu quả tốt nhất…
   
Mối họa diệt vong
   
  Theo báo cáo tại Hội nghị Linh trưởng quốc tế lần thứ 25 do Việt Nam đăng cai tổ chức đang diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Việt Nam là một trong những nước ở châu Á có số lượng linh trưởng phong phú với 26 loài và phân loài thuộc 3 họ, là culi; khỉ và voọc; vượn, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công nhận. Trong đó có 5 loài, phân loài đặc hữu gồm voọc Cát Bà, voọc quần đùi trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám, khỉ đuôi dài Côn Đảo.
   
  Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện hai loài linh trưởng là chà vá chân xám (năm 2007) và vượn Trung bộ (năm 2010). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng, với 2,2 triệu ha rừng đặc dụng được thành lập và 30 vườn quốc gia, 114 khu bảo tồn loài và sinh cảnh.
   
  Nhưng một thực tế đáng buồn là Việt Nam cũng là nước linh trưởng có nguy cơ bị tiêu diệt hàng đầu trên thế giới. Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, linh trưởng đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắn bất hợp pháp, buôn bán trái phép, sinh cảnh sống bị thu hẹp. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức bảo tồn linh trưởng.
   
  Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên. Chính phủ Việt Nam đang  ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng.
   
  Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Các khu bảo tồn không có rừng ở vùng đệm, các khu bảo tồn có diện tích nhỏ và bị cô lập, thiếu vốn đầu tư, thiếu sự đồng thuận giữa lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương, năng lực quản lý kém, thực thi luật không hiệu quả và thiếu lực lượng kiểm lâm. Danh mục đỏ của IUCN cho biết ở Việt Nam có 7 loài linh trưởng ở mức rất nguy cấp, 9 loài nguy cấp và 7 loài sẽ nguy cấp trong thời gian tới. Nghĩa là 90% các loài linh trưởng ở nước ta bị đe dọa tuyệt chủng.
   
Voọc chà vá chân nâu, một trong những loài linh trưởng quý hiếm sinh sống trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
   
Linh trưởng... nhớ rừng
   
  Việt Nam đã thành lập được nhiều trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, được xem như những “mái nhà bình yên” bảo vệ cho chúng. Nhưng nhiều chuyên gia cứu hộ giàu kinh nghiệm lo ngại rằng việc linh trưởng tiếp xúc quá thân thuộc với môi trường được nuôi nhốt, chăm sóc khi được thả về rừng sẽ không thích nghi được với cuộc sống hoang dã . Chúng cần rừng để trở về với thiên nhiên nhưng sự mất cân bằng đa dạng sinh học do chính bàn tay của con người tạo ra đang là mối đe dọa cho sự sống sót ngoài tự nhiên của các loài linh trưởng.
   
  Để bảo tồn và phục hồi các loài thú linh trưởng, mục tiêu trước mắt theo ông Vương Tiến Mạnh, chuyên gia của Văn phòng CITES Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia kịp thời và tổng thể, trong đó tập trung vào các giải pháp: Xây dựng khung pháp lý thống nhất và chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ, buôn bán trái phép; quy hoạch hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trong đó ưu tiên cho các khu bảo tồn thú linh trưởng.
   
  Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, trong đó, ưu tiên, đặt hàng các nghiên cứu về phân bố, tập tính, bảo tồn, xây dựng các vùng cấm các hoạt động con người nhằm đảm bảo nơi sống cho các loài linh trưởng.
   
  Đồng thời cần có quy định cụ thể quản lý các loại dụng cụ súng, bẫy săn, phát triển các mô hình du lịch sinh thái bền vững và khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia, đặc biệt là các hoạt động tham quan, tìm hiểu về động vật hoang dã, mang tính giáo dục về BVMT. Việt Nam cũng phải xây dựng một cơ chế tài chính bền vững, tránh phụ thuộc quá nhiều vào sự viện trợ của nước ngoài cho bảo tồn các loài thú linh trưởng.
   
  Cùng với các hoạt động thúc đẩy việc thi hành pháp luật và làm giảm nhu cầu buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép thì chăm lo, cải thiện đời sống và giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên cho người dân chính là biện pháp cấp thiết để bảo vệ rừng, qua đó giữ gìn một sinh cảnh thích hợp để tái thả tự nhiên cho linh trưởng và các loài thú quý hiếm khác. Đó là điều chúng ta cần hướng tới cho sự việc bảo tồn sự sống của những loài linh trưởng trong tương lai.
   
Thụy Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn các loài linh trưởng tại Việt Nam: Cuộc chiến dài!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO