Bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

Linh Chi| 01/04/2021 10:49

(TN&MT) - Trước tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim di cư tại Việt Nam diễn biến phức tạp , ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và việc thực thi Hiệp định về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP), Bộ TN&MT đã xây dựng Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Trong đó, phân rõ trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương.

217 loài chim cần bảo tồn

Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư như các Vườn Quốc gia: Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau)… đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam. Riêng khu vực Đông Dương có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó, có 10 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Việt Nam có 868 loài chim, trong đó, 109 loài cần quan tâm bảo tồn, 11 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 28 loài sắp nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.

Các loài chim di cư ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). 

Thời gian qua, nhiều loài chim hoang dã, di cư cũng được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật như loài Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa… Bên cạnh đó, có nhiều quy định pháp luật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời), cụ thể như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ Luật Hình sự (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này); Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim di cư còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Số lượng số vụ phát hiện, xử lý còn ít và khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.

Phân rõ trách nhiệm cụ thể

Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt, tận diệt các loài chim hoang dã, di cư, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Theo đó, tại Dự thảo Chỉ thị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Cụ thể, Bộ TN&MT có trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ban hành Danh mục và Hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng; Phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới bao gồm các vùng chim di cư quan trọng, điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.

Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức kinh doanh trực tuyến đối với chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt như các loại lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn...

Bộ NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các cấp tăng cường tuần tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư trái pháp luật, tập trung vào mùa chim hoang dã, di cư hàng năm đến Việt Nam (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau); tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng của Việt Nam; Tăng cường theo dõi, giám sát bệnh dịch đối với việc sử dụng, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các đàn gia súc, gia cầm của người dân.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan (đặc biệt là lực lượng Hải quan cửa khẩu) chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã xuyên biên giới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trên địa bàn, đặc biệt là Nghị định số 64/2019/NĐ-CP về sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, buôn bán các loài chim hoang dã, di cư mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân không săn, bắt, bẫy, bắn, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ, sử dụng các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng trên địa bàn…

Chỉ thị này vừa được Bộ TN&MT gửi đến các Bộ, Ban, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO