Bão số 3 ảnh hướng đến nước ta như thế nào?

Thanh Tùng| 20/07/2021 15:14

(TN&MT) - Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho biết, bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại nhiều tỉnh miền núi Bắc Bộ. Ngoài ra, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, bão gây gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, sóng biển cao từ 5,0-7,0m, biển động rất mạnh.

Hướng di chuyển của bão số 3 trong những ngày tới. Ảnh: TT DBKTTV QG

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 60km tính từ tâm bão. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lại thành bão. Đến 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Đông Đông Nam, mỗi giờ đi được từ 10-15km.

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với bão số 3, nên ở Bắc Bộ từ nay đến hết ngày 26/7 sẽ có mưa rào và dông trên diện rộng; đợt mưa này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến đêm 20/7 mưa dông tập trung ở khu vực Tây Bắc-Việt Bắc; giai đoạn 2 từ đêm ngày 22-25/7 mưa diện rộng xảy ra nhiều ở khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.

Về lũ, lũ quét và sạt lở đất, ông Trần Quang Năng nhận định, từ đêm ngày 19/7 đến ngày 21/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức BĐ1.

Từ đêm ngày 22-25/7, trên trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối thượng lưu khu vực Bắc Bộ có khả năng đạt mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Trần Quang Năng cũng cho biết, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông là cấp 3. Theo đó, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao từ 5,0-7,0m, biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 3 ảnh hướng đến nước ta như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO