Từ thành phố Cao Bằng vượt gần 100km đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, dọc theo Quốc lộ 34 qua huyện Nguyên Bình, chúng tôi đến gia đình anh Hoàng Vần Quyên, dân tộc Dao, xóm Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), người đã hiến 1.500m² đất để xây dựng Trường Mầm non Đình Phùng.
Trong căn nhà cấp 4, nhiều vật dụng gia đình còn đơn sơ, chị Lý Mùi Phẩy (vợ anh Hoàng Vần Quyên) chia sẻ, đối với người dân nghèo như chúng tôi, luôn quan niệm “tấc đất, tấc vàng”, đất rừng thì nhiều, nhưng đất để canh tác, sản xuất rất hạn chế. Thế nhưng, với mong muốn các cháu nhỏ trong xóm có được điểm trường khang trang, sạch sẽ để học cái chữ, vợ chồng tôi thống nhất hiến 1.500m² đất để xây dựng Trường Mầm non Đình Phùng. Có trường mới trong xóm, các cháu đi học sẽ đỡ khổ và thuận tiện hơn.
Trường Mầm non Đình Phùng đang được xây dựng trên diện tích 1.500m² đất do anh Hoàng Vần Quyên, dân tộc Dao, xóm Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hiến tặng. |
Được biết, năm 2018, khi có chủ trương xây dựng Trường Mầm non Đình Phùng, cán bộ xã Đình Phùng đã đến tuyên truyền, vận động người dân trong xóm Phiêng Chầu 2 hiến đất để có mặt bằng xây dựng trường học. Mặc dù khi đó, hộ gia đình anh Hoàng Vần Quyên vẫn là hộ nghèo của xã, nhưng được tuyên truyền và thấu hiểu ý nghĩa của việc xây dựng trường học là góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục của địa phương, đồng thời cũng là vì tương lai của con trẻ, vợ chồng anh đã bàn thống nhất và vui vẻ tự nguyện hiến 1.500m² đất đồi trong số diện tích đất mà gia đình anh dự định sẽ cải tạo làm ruộng trồng lúa, phát triển kinh tế gia đình để xây dựng Trường Mầm non Đình Phùng.
Như gia đình anh Quyên, anh Ma Sỹ Phia, dân tộc Tày, hiện là cán bộ xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cũng tự nguyện hiến 150m² đất xây nhà văn hoá xóm Phiêng Chầu 1. Xóm Phiêng Chầu 1, xã Đình Phùng có 65 hộ dân, với hơn 300 nhân khẩu; trong đó, dân tộc Dao chiếm trên 60%. Trước kia, nhà văn hóa của xóm rất chật hẹp, xuống cấp, không còn phù hợp để người dân làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Năm 2017, xã Đình Phùng có chủ trương đầu tư, xây dựng nhà văn hóa xóm Phiêng Chầu 1, nhưng nếu xây dựng trên nền nhà văn hóa cũ thì diện tích không đủ. Khi biết thông tin, anh Ma Sỹ Phia đã bàn bạc, thống nhất với gia đình hiến 150m² đất nền nhà cũ cho xóm để xây nhà văn hóa mới.
“Là cán bộ, đảng viên, tôi luôn nhận thức phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới”. Anh Ma Sỹ Phia chia sẻ.
Anh Ma Sỹ Phia, dân tộc Tày, xóm Phiêng Chầu 1, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hiến 150m² đất xây nhà văn hoá xóm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. |
Trước đây, nhiều hộ dân không đồng ý hiến đất vì nghĩ đây là công việc của Nhà nước. Thế nhưng, trước hành động và nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng và sự gương mẫu đi đầu của những người như anh Quyên, anh Phia, đã truyền cảm hứng trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Giờ thì nhiều người dân trong xóm, xã đã hiểu lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường, xây dựng công trình phúc lợi nên đã đồng thuận, tự nguyện hiến đất để xây dựng nông thôn mới.
Xã Đình Phùng có 593 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Dao chiếm 60%, còn lại là dân tộc Tày, Nùng. Người dân chủ yếu là trồng ngô, lúa, trúc sào, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 34%. Mặc dù cuộc sống của người dân còn khó khăn, đất để trồng trọt, chăn nuôi còn hạn hẹp, nhưng được chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động đến từng xóm, hộ gia đình, nên người dân đã nhận thức và tự nguyện hưởng ứng tích cực tham gia hiến đất để làm đường nông thôn và các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Chiều Phụng, Chủ tịch UBND xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hồ hởi: Hiến đất xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi, được nhân dân xã Đình Phùng tích cực hưởng ứng. Để làm được như vậy, xã quán triệt mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên trên mặt trận tư tưởng, gương mẫu chấp hành, đi đầu thực hiện chủ trương để nhân dân noi theo. Đồng thời, xã thường xuyên chỉ đạo các thôn, xóm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ trách nhiệm của công dân, của gia đình trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Nhờ có những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS đi học sẽ đỡ khổ và thuận tiện hơn. |
Có thể nói, điểm sáng trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc là người dân tích cực tham gia hiến đất làm đường nông thôn, xây dựng công trình phúc lợi. Điều đáng ghi nhận, nhiều hộ dân vẫn là hộ nghèo, cận nghèo nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất vì lợi ích cộng đồng. Điển hình như hộ các ông: Vi Văn Mông, xóm Bản Ỏ hiến 160m² đất làm nhà văn hóa xóm; Trương Diều Hùng, xóm Bản Miỏong hiến 120m² đất xây trường học; Đặng Chòi Chìu, xóm Lũng Vài hiến 4.200m² đất làm đường nông thôn…
Những con đường được bê tông hóa phong quang, hay những công trình phúc lợi như trường học, nhà văn hoá xóm… được đầu tư xây dựng khang trang trên địa bàn xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), đó là một phần của sự chung tay góp sức, tự nguyện hiến đất của đồng bào DTTS trong xã. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.