Bảo Lạc (Cao Bằng): Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Hoàng Huệ| 30/06/2022 12:09

(TN&MT) - Bảo Lạc là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Cao Bằng, có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi những ngọn núi cao và nhiều khe suối. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Bảo Lạc thường xảy ra nhiều đợt mưa to kèm gió lốc, lũ quét, sạt lở đất…, gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của nhân dân và các công trình của nhà nước. Trước thực tế đó, huyện Bảo Lạc đã chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

1(2).jpg
Các trận mưa lớn kéo dài đã khiến các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bị sạt lở, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng chống, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ nắm chắc các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định; thông tin kịp thời về tình hình thời tiết cho các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, Hoàng Văn Cương, cho biết: Với đặc thù địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt 24/24h để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo theo dõi, giám sát công tác phòng chống thiên tai. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn triển khai các phương án phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất. Rà soát, đánh giá các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để tổ chức di dời đến nơi an toàn. Chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư thiết yếu và con người để tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã xảy ra nhiều đợt mưa to kèm gió lốc, lũ quét, sạt lở đất…, khiến 1 người chết, gây thiệt hại gần 10,1 ha ngô, 23 nhà ở dân cư bị tốc mái, sạt lở. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông có 78 điểm bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng trên 23.000 m³ và một số công trình khác. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.

2(2).jpg

Trên địa bàn huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) hiện còn trên 18 hộ gia đình ở vùng thiên tai, trong đó, có 4 gia đình đang nằm trên khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở cần được hỗ trợ di dời.

Trong đợt mưa lớn vừa qua, gia đình chị Đặng Mùi Sinh, xóm Khau Sum, xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) là một trong những hộ bị đất đá trên taluy dương sạt vào nhà. Chị Sinh chia sẻ: Chính quyền địa phương đã vận động và hỗ trợ gia đình thu dọn đồ đạc, dựng tạm lán để gia đình di chuyển đến ở. Tuy nhiên, gia đình là hộ nghèo nên còn rất khó khăn, cũng mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ gia đình tôi có nơi ở mới an toàn hơn và ổn định cuộc sống.

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Bảo Lạc hiện còn trên 18 hộ gia đình ở vùng thiên tai; trong đó, có 4 gia đình đang nằm trên khu vực có nguy cơ tiếp tục sạt lở cần được hỗ trợ di dời. Để thực hiện công tác ổn dịnh dân cư trên địa bàn huyện, năm 2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt 2 dự án đầu tư xây dựng công trình bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ và xóm Cốc Ngòa, Riền Thượng, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, quy mô dự kiến bố trí tái định cư cho 68 hộ gia đình sau khi hoàn thành, hiện đã giải ngân mỗi dự án 10 tỷ để triển khai san gạt mặt bằng đạt trên 70%.

Theo nhận định, mùa mưa bão năm 2022 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, huyện Bảo Lạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kiên quyết sơ tán, di dời nhà ở dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đối với công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Văn Cương cho biết thêm: UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các thành viên trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, thống kê và hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo Lạc (Cao Bằng): Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO