Trước tình hình đó, để chủ động ứng phó với thiên tai bão lũ, với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu mùa mưa bão hàng năm, UBND huyện Bảo Lạc đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai bão lũ, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về con người và tài sản khi thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện.
Từ thành phố Cao Bằng vượt gần 150 km đường đèo dốc quanh co, hiểm trở tựa như những “con rắn” đang nằm uốn mình trên sườn núi, chúng tôi đến xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về công tác phòng, chống thiên tai bão lũ trên địa bàn xã, ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc cho biết, toàn xã hiện có 615 hộ, với hơn 3.000 nhân khẩu. Người dân trong xã chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chỉ cùng sinh sống. Từ năm 2019 đến nay, xã Bảo Toàn đã thực hiện di dời được 9 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn để họ yên tâm lao động, sản xuất.
Sau nhiều trận mưa bão lớn, ngôi nhà cũ của gia đình anh Bính Văn Thanh, xóm Nà Xiêm, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bị sụt lún, nứt toác nền nhà khiến gia đình luôn phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm mỗi khi mưa bão đến. |
“Những năm trước đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên sau mỗi trận mưa to, bão lũ thì nhà của một số hộ dân bị ảnh hưởng, sụt lún, nứt nền nhà…, nguy hiểm đến tính mạng cũng như tài sản của người dân. Trước tình hình nguy hiểm đó, UBND xã đã cử cán bộ đến những nơi có nguy cơ sạt lở tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động và lập danh sách những hộ nằm trong vùng nguy hiểm để sớm di dời đến nơi ở an toàn. Đến nay, xã Bảo Toàn đã cơ bản di dời được những hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới, đảm bảo sự an toàn và ổn định đời sống cho người dân.”, Chủ tịch UBND xã Bảo Toàn Hoàng Văn Chiến chia sẻ.
Gia đình anh Bính Văn Thanh, xóm Nà Xiêm, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) là một trong những hộ được hỗ trợ di dời nhà ở ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng mới xây, anh Bính Văn Thanh nói, được cán bộ xã Bảo Toàn tuyên truyền, vận động di dời nhà ở ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn tính mạng cho gia đình. Năm 2020, cùng với số tiền 20 triệu đồng được huyện Bảo Lạc hỗ trợ, gia đình tôi vay mượn thêm của người thân để xây căn nhà kiên cố tại một địa điểm mới này, đảm bảo an toàn.
Ngôi nhà mới 2 tầng được xây dựng kiên cố tại địa điểm mới, an toàn của gia đình anh Bính Văn Thanh, xóm Nà Xiêm, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). |
“Trước đây, căn nhà cũ của gia đình tôi nằm treo leo bên taluy âm, bên dưới là dòng suối, sau những trận mưa lớn, nước suối dâng cao, còn bên taluy dương thì nước mưa và bùn đất cứ thế tràn vào nhà khiến nền nhà bị nứt toác, rất nguy hiểm. Được xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã đồng ý di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Đến nay, có nơi ở mới an toàn, gia đình tôi yên tâm làm ăn, không phải sống trong lo âu, thấp thỏm mỗi khi có mưa lũ. Cảm ơn các cấp chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình tôi.”, anh Bính Văn Thanh chia sẻ.
Bảo Lạc là một huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, có địa hình phức tạp, có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi những ngọn núi cao, nhiều khe suối. Hàng năm, vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện thường xảy ra mưa to kèm gió lốc, lũ quét, sạt lở đất, đá… Tính từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã xảy ra nhiều đợt mưa đá, gió lốc, mưa lớn gây thiệt hại gần 50 ha lúa, hoa màu; 113 nhà ở dân cư bị tốc mái, sạt lở; 13 tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng và một số công trình khác. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ và người dân xã Cô Ba hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình khắc phục hậu quả thiên tai sau trận mưa bão xảy ra vào tháng 7/2020. |
Trước tình hình đó, để giảm thiểu thiệt hại và ổn định đời sống cho người dân, huyện Bảo Lạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết, toàn huyện Bảo Lạc có 98% dân số là dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí của đồng bào nơi đây còn nhiều hạn chế. Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ nắm chắc các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai. Hàng năm, chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp của huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, rà soát, cảnh báo các khu dân cư sống tại các vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở cao. Rà soát, đánh giá các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để tổ chức di dời đến nơi an toàn. Năm 2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt 2 dự án đầu tư xây dựng công trình bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ và xóm Cốc Ngòa, Riền Thượng, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Bảo Lạc huy động được hơn 1.000 ngày công lao động để hỗ trợ, giúp đỡ 113 nhà ở dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra (trong đó, 3 nhà bị sập đổ hoàn toàn), di dời 36 hộ dân đến nơi an toàn. UBND huyện Bảo Lạc hỗ trợ nhà đổ sập hoàn toàn, sạt lở đất gần 200 triệu đồng (trong đó, nhà đổ sập hoàn toàn 20 triệu đồng/nhà); 720 triệu đồng hỗ trợ di dời các hộ dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn; 500 triệu đồng khắc phục, sửa chữa đường giao thông, mương thủy lợi và mở mới một số tuyến đường huyết mạch nhằm tránh khu dân cư bị cô lập khi mưa lũ.
Đối với công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện chỉ đạo các thành viên trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, thống kê và hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, theo nhận định, mùa mưa bão năm 2021 sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp, huyện Bảo Lạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kiên quyết sơ tán, di dời nhà ở dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…