Báo động ô nhiễm tại các KCN, CCN Thanh Hóa

02/01/2016 00:00

(TN&MT) - Toàn tỉnh Thanh Hóa ngoài Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn thì có 8 Khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bổ sung, ngoài ra còn có 36/57 Cụm công nghiệp (CCN) đã và sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, duy nhất chỉ KCN Lễ Môn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép.

Báo động ô nhiễm

Theo Báo cáo số 186/BC – STNMT ngày 27/11/2015 của Sở TN&MT Thanh Hóa thì toàn  tỉnh có KKT Nghi Sơn và 8 KCN nằm trong quy hoạch đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý bổ sung bao gồm: KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, KCN Bỉm Sơn, KCN Lam Sơn – Sao Vàng, KCN Hoàng Long, KCN Thạch Quảng, KCN Ngọc Lặc và KCN Bãi Trành.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có KCN Lễ Môn có hệ thống xử lý nước thải tập trung, KCN Tây Bắc Ga đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành. KKT Nghi Sơn và các KCN khác đều trong giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng. Các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong KKT và các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, tuy nhiên chất lượng nước thải ra môi trường tại nhiều cơ sở còn một số chỉ tiêu như: TSS, COD, BOD, Colifrom vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 – 5 lần.

Nước thải chưa qua xử lý được chảy thẳng ra ngoài môi trường tại CCN Vức
Nước thải chưa qua xử lý được chảy thẳng ra ngoài môi trường tại CCN Vức

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại khu dân cư gần một số KCN cho thấy: Nồng độ bụi lơ lửng vượt từ 1,0 – 1,88 lần; tiếng ồn vượt 4 – 5dBA; chất lượng nước ngầm tại KCN Lễ Môn có độ cứng vượt 2,2 – 2,5 lần, chất rắn tổng số vượt 1,66 – 1,72 lần, COD vượt 1,7 lần; tại KCN Tây Bắc Ga: COD vượt 1,3 lần, Mangan vượt 1,25 – 1,9 lần, Sắt vượt 1,2 lần, Amoni vượt 1,2 lần…

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa có 57 CCN, trong đó vùng đồng vằng 27 cụm, vùng ven buển 13 cụm, miền núi 17 cụm. Có 10 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng; 26 CCN đang trong giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng; 21 CCN chưa đầu tư hạ tầng. Hiện tại, có 34 CCN và 250 doanh nghiệp đi vào hoạt động, chủ yếu là khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, dệt may, chế biến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Kết quả quan trắc môi trường tại các CCN và khu vực xung quanh cho thấy nồng độ bụi tại CCN xã Yên Lâm, huyện Yên Định vượt tiêu chuẩn 1,28 lần; CCN Vức, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa vượt 1,2 lần; Chất lượng nước thải từ các cơ sở trước khi thải ra môi trường và chất lượng nước mặt trong khu vực có nhiều chỉ tiêu (TSS, COD, BOD, Amoni) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 3,2 lần…

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Điều – Cán bộ phục trách Chi nhánh Môi trường của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng (đơn vị quản lý KCN Lễ Môn) cho biết: Trạm xử lý nước thải của KCN Lễ Môn có công suất thiết kế 2.200 m3/ngày đêm thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay chỉ có 9/28 doanh nghiệp trong KCN ký kết xử lý nước thải với công suất 600 – 700 m3/ngày đêm. Lượng nước được thu gom, xử lý mới chỉ bằng 1/3 so với công suất thiết kế nên nhiều năm nay trạm liên tục phải hoạt động trong tình trạng “khát” nước thải.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân được Sở TN&MT xác định là do hạ tầng kỹ thuật về môi trường tại các KKT, KCN, CCN chưa được đầu tư. Rồi ý thức chấp hành Luật BVMT của các cơ sở, doanh nghiệp chưa nghiêm vì chạy theo lợi nhuận mà chưa chú ý đến công tác xử lý chất thải. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật BVMT có lúc, có nơi chưa cương quyết, chưa quyết liệt, chưa đôn đốc kịp thời các chủ đầu tư khắc phục các vi phạm. Chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhiều cơ sở, doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ công trình xử lý chất thải. Các CCN hầu hết chưa được đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải và khu xử lý chất thải rắn tập trung, có khoảng 20% số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư nhưng không đồng bộ, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên nên khí thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Đâu là giải pháp?

Theo Sở TN&MT thì cần quản lý chặt chẽ ngay từ khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp. Kiên quyết không đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT, đặc biệt là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án nằm ở đầu nguồn các hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Yên.

Duy nhất KCN Lễ Môn có trạm xử lý nước thải nhưng luôn trong tình trạng “khát” nước thải
Duy nhất KCN Lễ Môn có trạm xử lý nước thải nhưng luôn trong tình trạng “khát” nước thải

Ngoài ra, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, khu đô thị và có nguồn thải ra thượng nguồn các sông và CCN tại địa phương. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống, thu gom, xử lý nước thải tại các KCN, CCN, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất trong KCN, CCN phải đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung, không thải trực tiếp ra môi trường.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, kiêm quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý những cơ sở, đơn vị không tuân thủ pháp luật BVMT. Tăng cường kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường, tạo chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư, xây dựng các dự án, công trình xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và BVMT.

Bài & ảnh: Tuyết Trang - Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm tại các KCN, CCN Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO