Biển đảo

Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển

Khương Trung - Đình Tiệp 03/06/2023 - 16:24

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vũng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 03/6/2023 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

small_ttr-nhan.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, khẳng định: Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung Đảng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sự kiện này với mong muốn nhận được sự quan tâm ủng hộ để triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

small_undp1.jpg
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Tại Hội nghị Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nhấn mạnh nhấn mạnh ba khuyến nghị từ UNDP để Chiến lược khai thác, sử dụng bền vũng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050cần hướng tới.

Thứ nhất, sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. UNDP và Nauy vinh dự được hỗ trợ và tham gia vào quá trình xây dựng MSP.

Thứ hai, Biển và hải đảo của Việt Nam hiện đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển (như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường) là rất quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.

Cuối cùng, hỗ trợ quốc tế về chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững sẽ rất cần thiết để thúc đẩy cho sự thay đổi và cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết 48. UNDP khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài.

small_nguyen-van-de.jpg
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: Nghệ An là tỉnh có đường bờ biển dài 82km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển… Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung chỉ đạo trong khai thác và phát triển kinh tế biển trong đó nòng cốt là các hoạt động du lịch, dịch vụ biển, hoạt động phát triển cảng và công nghiệp ven biển... Qua đó từng bước đưa Nghệ An sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của Bắc Trung Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển khu vực, cả nước và thế giới.

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã lấy ý kiến các Bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Trong đó về không gian đô thị thành phố mở rộng, thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh, tạo thành một thành phố biển hiện đại và phát triển. Các mục tiêu, nhiệm vụ được gắn liền với quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; hình thành văn hoá biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh về những thế mạnh về biển của Hà Tĩnh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: Với bờ biển dài hơn 137km, Hà Tĩnh có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển.

small_hong-linh_ha-tinh.jpg
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Với những nỗ lực trong thời gian qua, Hà Tĩnh hiện có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án gắn liền với kinh tế biển.

Để triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh hướng tới các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực; Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Tầm nhìn đến năm 2050 thì Hà Tĩnh hướng đến tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

small_ttr-nhan-1.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển

Ghi nhận những ý kiến tham luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vũng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến quý báu tại Hội nghị để chỉ đạo việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tập trung hoàn hiện trình phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, đảm bảo chất lượng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO